Cuồng nhĩ
Cuồng nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim thường gặp thứ hai sau rung nhĩ. Bệnh không có những triệu chứng cụ thể và khó nhận biết được cho đến khi trở nên nặng hơn.
2. Triệu chứng của bệnh cuồng nhĩ
3. Nguyên nhân gây ra bệnh cuồng nhĩ
4. Biến chứng của bệnh cuồng nhĩ
1. Bệnh cuồng nhĩ là gì?
Cuồng nhĩ (tên tiếng Anh là Atrial Flutter) là tình trạng nhịp tim nhanh bất thường, khoảng 242 – 360 nhịp/phút. Đây là một kiểu rối loạn nhịp tim thường gặp thứ hai sau rung nhĩ. Tuy nhiên trong chứng cuồng nhĩ, nhịp nhĩ có tổ chức và ít rối loạn hơn trong rung nhĩ. Đôi khi bạn có thể gặp các cơn rung nhĩ và cuồng nhĩ cùng lúc. Mặc dù những người bị cuồng nhĩ có thể không cảm nhận được bất kì triệu chứng gì nhưng cuồng nhĩ có thể gây đột quỵ, suy tim và các biến chứng khác. Hiện tại đã có các phương pháp điều trị hiệu quả cho cuồng nhĩ như cắt đốt mô bằng ống thông hoặc dùng thuốc.
2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh cuồng nhĩ
Một vài người bị cuồng nhĩ không có bất kì triệu chứng nào đáng kể. Trong khi những người khác có thể gặp các triệu chứng sau:
- Đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh trong lồng ngực)
- Cảm giác có thứ gì đó rung trong lồng ngực
- Khó thở
- Lo lắng
- Mệt mỏi
- Ngất hoặc gần như ngất
- Đau tức ngực
- Cảm giác lâng lâng
Cơn cuồng nhĩ hoặc rung nhĩ có thể kéo dài tùy thời điểm. Ở một vài người, cuồng nhĩ có thể trở về nhịp xoang bình thường trong vòng một tuần hoặc có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Một vài bệnh nhân khác có thể có cơn cuồng nhĩ xuất hiện đột ngột, kéo dài trong vòng 1 ngày, sau đó biến mất và xuất hiện trở lại không theo quy luật nào cả, gọi là cơn cuồng nhĩ bộc phát. Tuy nhiên, cuồng nhĩ cũng có thể chuyển sang các rối loạn nhịp tim khác như rung nhĩ sau 1 khoảng thời gian tương tự.
Hình ảnh của cuồng nhĩ
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn gặp bất kì triệu chứng cuồng nhĩ nào đã kể trên hoặc đang dùng thuốc điều trị cuồng nhĩ và vẫn gặp các triệu chứng trên, hãy đi khám bác sĩ ngay.
Nếu bạn đã được chẩn đoán và đang điều trị cuồng nhĩ, hãy tới ngay trung tâm y tế gần nhất nếu bạn có các triệu chứng sau:
- Đau tức ngực nặng
- Cảm thấy muốn ngất
- Ngất xỉu
Bác sĩ tham vấn thông tin:
✍ Các bác sĩ Tim Mạch Hello Doctor
3. Nguyên nhân gây ra bệnh cuồng nhĩ
Cuồng nhĩ có thể gây ra bởi các bất thường trong tim, các bệnh tim, các bệnh khác của cơ thể có thể ảnh hưởng tới tim hoặc sử dụng các chất thay đổi sự dẫn truyền các xung điện trong tim. Trong một vài trường hợp, nguyên nhân gây rung nhĩ trên bệnh nhân đó không tìm ra được.
Các bệnh tim hoặc các bất thường ở tim có thể gây ra cuồng nhĩ bao gồm:
- Giảm dòng máu nuôi tim do bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch hoặc do cục máu đông gây tắc mạch
- Tăng huyết áp
- Bệnh cơ tim
- Bất thường van tim, nhất là bất thường van 2 lá
- Sau phẫu thuật tim hở
Các bệnh khác trong cơ thể có thể ảnh hưởng tới tim bao gồm:
- Bệnh cường giáp
- Nhồi máu phổi
- Bệnh phổi mạn tính như khí phế thũng làm giảm lượng oxy trong máu
Các chất có thể gây cuồng nhĩ bao gồm:
- Rượu bia
- Chất kích thích, caffeine
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh cuồng nhĩ
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới cuồng nhĩ. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ thường gặp nhất gây cuồng nhĩ:
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Bệnh đái tháo đường (tiểu đường)
- Suy tim
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ và/hoặc có cơn nhồi máu cơ tim trước đó
- Bệnh cấp tính nghiêm trọng
- Uống nhiều rượu bia hoặc nghiện rượu
- Tuổi già
- Bệnh phổi mãn tính
- Phẫu thuật tim gần đây
- Bệnh tim bẩm sinh
4. Biến chứng và tác hại của bệnh cuồng nhĩ
Cuồng nhĩ có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của bạn vì chúng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:
- Nhịp tim nhanh làm tim bạn không bơm đủ lượng máu cần thiết tới các cơ quan sống còn của cơ thể như não và cơ tim, dẫn tới các biến chứng nặng nề hơn sau này.
- Hạ huyết áp
- Tắc mạch do cục máu đông
- Tai biến mạch máu não
- Bệnh cơ tim
- Rung nhĩ mạn tính
5. Các phương pháp điều trị bệnh cuồng nhĩ
Chẩn đoán
Ngoài việc nghe tim bằng ống nghe, bác sĩ có thể cho bạn làm một vài xét nghiệm khác nếu họ nghi ngờ bạn bị rối loạn nhịp tim. Do các bệnh khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự cuồng nhĩ nên các xét nghiệm này sẽ loại trừ những nguyên nhân nguy hiểm nhất gây ra các triệu chứng trên.
- Đo điện tim (đo ECG): đây là xét nghiệm đầu tiên bạn được thực hiện vì nó có thể cho bác sĩ cái nhìn toàn cảnh về những việc đang xảy ra trong tim của bạn. Điện tim cho thấy được các bất thường trong các xung động và bất thường ở tim như dấu hiệu nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, bất thường dẫn truyền xung điện, lớn các buồng tim và các bất thường của tim do rối loạn điện giải Kali, Canxi.
- Siêu âm tim là xét nghiệm không gây đau, sử dụng sóng âm để tạo hình bên trong tim khi tim đập và giữa các nhịp đập. Xét nghiệm này được thực hiện để xác định các bệnh van tim, chức năng tâm thất hoặc tìm kiếm các cục máu đông trong tâm nhĩ.
Điều trị
Mục tiêu điều trị cuồng nhĩ là kiểm soát nhịp tim, khôi phục nhịp tim bình thường, ngăn ngừa các cơn cuồng nhĩ trong tương lai và ngăn ngừa đột quỵ.
- Kiểm soát nhịp tim: mục tiêu điều trị đầu tiên là kiểm soát nhịp tâm thất. Nếu bạn có các triệu chứng nặng như đau ngực hoặc suy tim sung huyết có liên quan với nhịp tâm thất, bác sĩ ở phòng cấp cứu sẽ làm giảm nhịp tim của bạn bằng các thuốc truyền vào tĩnh mạch hoặc bằng dòng điện (gọi là chuyển nhịp hoặc khử rung tim). Nếu bạn không có các triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc đường uống và đôi khi bạn phải sử dụng nhiều loại thuốc đường uống để kiểm soát nhịp tim của bạn.
- Khôi phục và duy trì nhịp xoang bình thường: một vài người mới được chẩn đoán cuồng nhĩ sẽ được chuyển nhịp về nhịp xoang bình thường trong vòng 24 – 48 tiếng. Mục tiêu điều trị sẽ là khôi phục nhịp tim về nhịp xoang bình thường và ngăn ngừa các cơn cuồng nhĩ xuất hiện trở lại. Việc khôi phục nhịp xoang bình thường có thể được thực hiện bằng thuốc
- Ngăn ngừa các cơn cuồng nhĩ trong tương lai: việc này thường được thực hiện bằng cách dùng thuốc hằng ngày để giữ nhịp tim phù hợp với tình trạng người bệnh.
- Ngăn ngừa đột quỵ bằng thuốc.
Các biện pháp tự chăm sóc
Ngoài việc dùng thuốc như đã hướng dẫn thì những người bị cuồng nhĩ nên tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc mới hay thảo dược hay các loại thuốc bổ khác. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và điều trị các bệnh nền hiện có giúp bệnh nhân bị cuồng nhĩ ngăn ngừa được các biến chứng có thể gặp và đối phó tốt với căn bệnh này hơn.
6. Phòng chống bệnh cuồng nhĩ
Cuồng nghĩ có thể đề phòng được hoặc làm giảm nguy cơ xuất hiện cuồng nhĩ bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt chúng. Cách đơn giản nhất để phòng ngừa cuồng nhĩ xuất hiện là:
- Tập thể dục thường xuyên và tăng hoạt động thể chất
- Ăn uống lành mạnh, ăn các thức ăn có lợi cho tim mạch, hạn chế muối và chất béo không tan, tăng cường ăn rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám
- Tránh uống quá nhiều rượu bia và cà phê
- Không hút thuốc
- Duy trì cân nặng có lợi cho sức khỏe.
- Điều trị các bệnh nền hiện có như đái tháo đường (tiểu đường), bệnh phổi, tăng huyết áp,…
Để điều trị bệnh cuồng nhĩ, bạn nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị cụ thể. Bạn có thể liên hệ đặt khvới các bác sĩ của Hello Doctor chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ qua số điện thoại 1900 1246.
Bác sĩ khám, điều trị
Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Thị Kim Ngân
Khoa: Tim mạch
Nơi làm việc: Bệnh viện Viện Tim Hồ Chí Minh
Kinh nghiệm: 18 năm
Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa
Bình luận, đặt câu hỏi