Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim bạn đập quá nhanh, đập quá chậm hoặc không đều. Ở một số trường hợp, bệnh có thể không gây hại, nhưng cũng có trường hợp bệnh lại đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

1. Bệnh rối loạn nhịp tim là gì

2. Triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim

3. Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn nhịp tim

4. Biến chứng của bệnh rối loạn nhịp tim

5. Điều trị bệnh rối loạn nhịp tim

6. Bác sĩ điều trị

7. Chia sẻ của bệnh nhân

1. Bệnh rối loạn nhịp tim là gì?

Loạn nhịp tim xảy ra khi các xung điện tạo ra nhịp tim của bạn không hoạt động đúng cách, làm tim bạn đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Loạn nhịp tim có thể cảm nhận như trái tim đang đập điên cuồng hay đang chạy đua và có thể không gây hại gì cho bạn. Tuy nhiên, một vài rối loạn nhịp tim có thể gây ra các triệu chứng phiền phức, đôi khi gây nguy hiểm tới tính mạng. Điều trị loạn nhịp tim có thể kiểm soát hoặc loại trừ các nhịp tim quá nhanh, quá chậm hay bất thường. Thêm vào đó, tình trạng này có thể tồi tệ hơn hoặc gây ra bởi các tổn thương tim trước đó, do đó bạn có khả năng giảm thiểu nguy cơ bị loạn nhịp tim nếu bạn có lối sống lành mạnh.

2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim

Loạn nhịp tim có thể không gây ra các triệu chứng gì. Trong thực tế, bác sĩ có thể tìm ra chứng loạn nhịp tim ở bạn khi thực hiện khám tổng quát. Tuy nhiên các dấu hiệu đáng để ý không đồng nghĩa với việc bạn mắc chứng loạn nhịp nặng.

Các triệu chứng để ý được là:

Những triệu chứng này có thể là do lo lắng, căng thẳng, hoặc các nguyên nhân khác bên cạnh nhịp tim bất thường.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Rối loạn nhịp tim có thể làm bạn cảm thấy bạn có một nhịp tới sớm hay có thêm 1 nhịp tim hay bạn có thể cảm thấy tim mình đang chạy đua hoặc đập quá chậm. Các triệu chứng khác có thể liên quan tới việc tim bạn làm việc không hiệu quả do nhịp tim quá nhanh hay quá chậm. Các triệu chứng này bao gồm khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, cảm giác lâng lâng, ngất, đau ngực và khó chịu.

Hãy tới bệnh viện ngay lập tức nếu bạn đột ngột hay thường xuyên gặp bất kì triệu chứng nào đã kể trên vào lúc bạn nghĩ sẽ không thể gặp nó.

Rung thất là một kiểu loạn nhịp tim có thể gây chết người. Rung thất xảy ra khi nhịp tim đập nhanh do các xung điện truyền xuống bất thường, làm cho tâm thất đập không hiệu quả thay vì bơm máu. Nếu không có một nhịp tim hiệu quả, huyết áp sẽ giảm, máu sẽ không tới được các cơ quan quan trọng.

Một người bị rung thất sẽ ngất trong vòng vài giây và sẽ sớm không thể thở hay không có mạch nữa. Nếu chuyện này xảy ra, hãy làm theo các bước dưới đây:

  • Gọi cấp cứu
  • Nếu ở gần đó không có ai đã từng được huấn luyện cách hồi sinh tim phổi, hãy thực hiện hồi sinh tim phổi bằng tay, nghĩa là nhấn ngực liên tục 100 – 120 lần/phút cho tới khi đội cấp cứu tới. Dùng tay nhấn mạnh và nhanh vào chính giữa ngực nạn nhân và không cần hà hơi thổi ngạt.
  • Nếu ở gần đó có người được đào tạo hồi sinh tim phổi, hãy nhờ họ thực hiện. Thủ thuật này có thể giúp duy trì dòng máu tới các cơ quan cho tới khi thực hiện khử rung tim cho bệnh nhân.

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Tim Mạch Hello Doctor 

☎ Gọi Bác sĩ

유 Chat Bác sĩ trên Facebook

3. Nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hoặc gây ra loạn nhịp tim như:

Đối với những người không có bệnh tim trước đó, rối loạn nhịp tim thường là ngẫu nhiên và xảy ra đơn độc, không kèm theo một bệnh lý nào. Tuy nhiên, đi khám bác sĩ là cần thiết nếu bạn cảm thấy tim mình đập không bình thường, nhất  là khi các triệu chứng lặp đi lặp lại hay kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như: bệnh mạch vành, bất thường van tim, suy tim, rối loạn dẫn truyền, hoặc cao huyết áp. Tuy nhiên, cần nhớ rằng có rối loạn nhịp tim không nhất thiết phải xuất hiện ở một người có bệnh tim thực thể. Loạn nhịp tim có nhiều nguyên nhân; đôi khi nguyên nhân gây loạn nhịp không bao giờ được xác định, cũng có khi nguyên nhân có thể dễ dàng xác định và điều trị.

Nhịp tim bình thường như thế nào?

Tim của bạn gồm 4 buồng tim – 2 buồng tâm nhĩ ở trên và 2 buồng tâm thất ở dưới. Nhịp tim thường được kiểm soát bởi máy tạo nhịp tự nhiên là nút xoang, nằm ở tâm nhĩ phải. Nút xoang phát các xung điện bắt đầu mỗi nhịp tim.

Từ nút xoang, xung điện đi khắp 2 tâm nhĩ, làm cho tâm nhĩ co, tống máu xuống tâm thất. Sau đó các xung điện này di chuyển tới một nhóm tế bào gọi là nút nhĩ thất, nằm giữa con đường dẫn điện từ nhĩ xuống thất. Nút nhĩ thất làm chậm các xung điện trước khi cho chúng đi qua xuống tâm thất. Sự trì hoãn nho nhỏ này cho phép tâm thất được bơm đầy máu. Khi các xung điện chạm tới các cơ của tâm thất làm chúng co, bơm máu lên phổi và các phần khác của cơ thể.

Ở người bình thường, quá trình này được thực hiện trơn tru, kết quả là nhịp tim khi đang ngổi nghỉ dao động từ 60 – 100 lần/phút.

Các kiểu loạn nhịp tim

Các bác sĩ chia loạn nhịp tim theo vị trí và tốc độ của nhịp tim:

Không hẳn tất cả loạn nhịp nhanh hay loạn nhịp chậm có nghĩa là bạn có bệnh tim. Ví dụ, trong lúc tập thể dục, việc nhịp tim tăng lên là bình thường vì tim cần làm việc tích cực hơn để bơm đủ máu giàu oxy tới các mô trong cơ thể. Trong lúc ngủ hay thư giãn, nhịp tim chậm không phải là điều bất thường.

Nhịp nhĩ nhanh

Loạn nhịp nhanh xảy ra ở tâm nhĩ bao gồm:

  • Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim đập nhanh gây ra bởi các xung điện hỗn loạn ở tâm nhĩ. Các tín hiệu điện này làm tâm nhĩ đập nhanh, không đồng bộ với tâm thất và hoạt động bơm máu xảy ra yếu. Các tín hiệu hỗn loạn tấn công nút nhĩ thất, làm cho tâm thất cũng đập loạn và nhanh hơn. Rung nhĩ có thể là tạm thời, nhưng một vài cơn rung nhĩ có thể không kết thúc được nếu như không được điều trị. Rung nhĩ có thể dẫn tới một vài biến chứng nguy hiểm như đột quỵ.
  • Cuồng nhĩ giống với rung nhĩ nhưng nhịp tim trong cuồng nhĩ có trật tự hơn và các xung điện có tính đồng bộ hơn. Cuồng nhĩ cũng có thể dẫn tới một vài biến chứng nguy hiểm như đột quỵ.
  • Nhịp nhanh kịch phát trên thất là một thuật ngữ rộng lớn bao gồm nhiều loại loạn nhịp tim bắt nguồn từ phía trên tâm thất, ở trong tâm nhĩ hoặc ở nút nhĩ thất.
  • Hội chứng Wolff – Parkinson – White: đây là một kiểu nhịp nhanh kịch phát trên thất, bệnh nhân có một đường nối tắt từ nhĩ xuống thất từ lúc mới sinh. Tuy nhiên, bạn có thể không cảm nhận được các triệu chứng cho tới khi bạn trưởng thành. Con đường phụ này cho phép các xung điện đi từ tâm nhĩ xuống tâm thất mà không cần qua nút nhĩ thất, tạo ra vòng dẫn điện ngắn và gây ra nhịp tim nhanh.

Nhịp nhanh thất

Loạn nhịp nhanh ở tâm thất bao gồm:

  • Nhịp nhanh thất: đây là tình trạng tim đập nhanh, đều, gây ra bởi các xung diện bất thường ở tâm thất. Nhịp tim nhanh làm cho tâm thất không được bơm đầy máu và bơm đủ máu tới các phần khác của cơ thể. Nhịp nhanh thất thường là một cấp cứu y khoa, nếu không điều trị kịp thời, nhịp nhanh thất có thể tiến triển thành bệnh rung thất.
  • Rung thất xảy ra khi các xung điện nhanh, hỗn loạn làm cho tâm thất rung, không bơm đủ máu tới các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này có thể gây chết người nếu nhịp tim không được khôi phục lại bình thường trong vòng vài phút. Những người bị rung thất đang có một bệnh tim nền hoặc đã từng trải qua chấn thương nặng nề như từng bị sét đánh.
  • Hội chứng QT kéo dài: hội chứng QT kéo dài là một bệnh của tim có nguy cơ xuất hiện các nhịp tim nhanh và hỗn loạn. Các nhịp tim bất thường này gây ra bởi sự thay đổi trong hệ thống điện của tim, có thể dẫn tới ngất và đe dọa tới tính mạng. Trong một vài trường hợp, nhịp tim của bạn có thể rất hỗn loạn và có thể gây đột tử. Bạn có thể được sinh ra với một đột biến di truyền làm bạn có nguy cơ cao mắc hội chứng QT kéo dài. Hơn nữa, có một vài loại thuốc hoặc một bệnh nào đó cũng có thể gây ra hội chứng này như bệnh tim bẩm sinh.

Nhịp tim chậm

Mặc dù nhịp tim lúc nghỉ dưới 60 lần/phút được xem là nhịp tim chậm nhưng nhịp tim chậm lúc nghỉ không phải lúc nào cũng chỉ ra một căn bệnh nào đó. Nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh, ban có thể có một trái tim hoạt động hiệu quả, bơm đủ máu dưới 60 lần/phút khi nghỉ.

Hơn nữa, một vài loại thuốc để điều trị các bệnh khác như thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm chậm nhịp tim của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn có nhịp tim chậm và tim bạn bơm không đủ máu cho các cơ quan, có thể bạn đang mắc một trong các bệnh chậm nhịp tim sau:

  • Hội chứng nút xoang bệnh: nếu nút xoang của tim bạn không phát ra các xung điện đầy đủ, nhịp tim của bạn có thể quá chậm hoặc tăng lên rồi chậm lại. Hội chứng nút xoang bệnh cũng có thể được gây ra bởi sẹo cơ tim nằm gần nút xoang làm chậm, cản trở hoặc ngăn các xung điện phát ra.
  • Block dẫn truyền: sự ngăn cản các con đường dẫn truyền xung điện có thể xảy ra gần hoặc ngay tại nút nhĩ thất, hoặc có thể xảy ra ở các con đường dẫn truyền xung điện ở các tâm thất. Phụ thuộc vào vị trí và kiểu block dẫn truyền, các xung điện giữa tâm nhĩ và tâm thất có thể bị làm chậm hoặc bị ngăn lại. Nếu xung điện bị ngăn lại hoàn toàn, các tế bào trong nút nhĩ thất hoặc tâm thất có thể tự đập theo nhịp của nó và chậm hơn bình thường. Một vài loại block dẫn truyền có thể không gây ra bất kì triệu chứng nào, và một vài loại khác có thể gây hụt mất 1 nhịp tim hay nhịp tim chậm.

Nhịp tim tới sớm (ngoại tâm thu)

Mặc dù nhịp tim này cảm giác như một nhịp bị bỏ qua, nhịp tim tới sớm thực ra là một nhịp thêm vào. Cho dù bạn có thể cảm nhận được nhịp tim này, nó hiếm khi là biểu hiện của một bệnh trầm trọng. Dù vậy, một nhịp tim tới sớm có thể kích hoạt một cơn loạn nhịp tim kéo dài – đặc biệt ở những người có bệnh tim. Nhịp tim đến sớm thường gây ra bởi căng thẳng, tập luyện quá độ hoặc các chất kích thích như caffeine hay nicotine.

Nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim

Nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh rối loạn nhịp tim

Các yếu tố nhất định có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển cơn loạn nhịp tim bao gồm:

  • Bệnh mạch vành, các bệnh khác của tim và phẫu thuật tim trước đó: hẹp động mạch nuôi tim, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, phẫu thuật tim, suy tim, bệnh cơ tim và các tổn thương tim khác là yếu tố nguy cơ của hầu hết các dạng loạn nhịp tim
  • Tăng huyết áp làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh mạch vành, nó cũng làm cho các thành của buồng thất trái trở nên dày và cứng, làm thay đổi cách các xung điện chạy trong tim.
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Bệnh lý tuyến giáp
  • Các thuốc và thuốc bổ
  • Đái tháo đường (tiểu đường)
  • Chứng ngưng thở khi ngủ làm bạn gia tăng nguy cơ bị chậm nhịp tim, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác.
  • Mất cân bằng điện giải: các chất điện giải trong cơ thể bạn như Kali, Natri, Canxi và Magne giúp kích hoạt và dẫn truyền các xung điện trong tim. Nồng độ các chất này quá cao hoặc quá thấp có thể ảnh hưởng tới các xung điện của tim và góp phần gây rối loạn nhịp tim.
  • Uống quá nhiều rượu bia
  • Sử dụng caffeine hoặc nicotine và các chất kích thích khác có thể làm tim bạn đập nhanh hơn và góp phần gây ra các rối loạn nhịp tim trầm trọng hơn. Các loại thuốc cấm như ma túy và cocaine có thể ảnh hưởng tới tim và dẫn tới nhiều loại loạn nhịp hoặc gây đột tử do rung thất.

4. Tác hại và biến chứng của bệnh rối loạn nhịp tim

Các rối loạn nhịp tim có thể gia tăng nguy cơ dẫn tới các biến chứng sau:

Đột quỵ: khi tim bạn bị loạn nhịp, nó không thể bơm máu có hiệu quả được, làm cho máu ứ lại trong tim, tạo nên cục máu đông. Nếu cục máu đông vỡ ra, nó có thể chạy từ tim lên não, làm chặn dòng máu nuôi não, gây đột quỵ.

Các loại thuốc như thuốc kháng đông có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ hay tổn thương các cơ quan khác gây ra bởi cục máu đông. Bác sĩ sẽ xác định xem việc sử dụng thuốc kháng đông có phù hợp với bạn hay không dựa vào kiểu rối loạn nhịp tim và nguy cơ tạo cục máu đông.

Suy tim: có thể là kết quả của việc hoạt động bơm máu không hiệu quả trong thời gian dài do nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm. Đôi khi kiểm soát tần số rối loạn nhịp tim gây suy tim có thể cải thiện chức năng của tim bạn.

5. Điều trị bệnh rối loạn nhịp tim

Chuẩn bị trước khi đi khám

Nếu bạn nghĩ bạn bị rối loạn nhịp tim, hãy đi khám bác sĩ. Rối loạn nhịp tim nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng và có hiệu quả hơn. Nếu nhịp tim của bạn bị rối loạn kéo dài trên vài phút hoặc đồng thời có các triệu chứng như ngất, khó thở hay đau ngực, hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ ai đó đưa bạn tới cơ sở y tế gần nhất.

Dưới đây là một vài thông tin giúp bạn chuẩn bị kĩ trước khi đi khám bệnh:

  • Biết được những điều cần tránh trước khi đi khám bệnh như kiêng ăn vì bác sĩ có thể cho bạn làm xét nghiệm máu.
  • Viết lại bất kì triệu chứng nào bạn đang cảm nhận, bao gồm các triệu chứng có vẻ không liên quan tới rối loạn nhịp tim
  • Viết lại các thông tin cá nhân chính như tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp hay đái tháo đường, các căng thẳng và thay đổi gần đây trong cuộc sống.
  • Viết lại các thuốc, vitamin và thuốc bổ bạn đang sử dụng cũng như liều lượng của chúng
  • Đưa một người thân hoặc một người bạn đi chung, họ có thể giúp bạn ghi nhớ các thông tin được cung cấp mà bạn có thể bỏ qua hoặc quên mất.
  • Viết lại các câu hỏi cần hỏi bác sĩ.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ xem qua các triệu chứng của bạn, tiền sử bệnh và khám tổng quát.

Bác sĩ có thể hỏi hoặc kiểm tra các tình huống có thể kích hoạt cơn loạn nhịp tim như bệnh tim hay bệnh tuyến giáp. Bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm theo dõi nhịp tim đặc hiệu cho rối loạn nhịp tim như:

  • Đo điện tâm đồ (đo ECG)
  • Máy theo dõi nhịp tim Holter theo dõi nhịp tim của bạn trong các hoạt động hằng ngày
  • Máy theo dõi nhịp tim theo các sự kiện
  • Siêu âm tim
  • Máy ghi nhịp tim cấy ghép

Nếu bác sĩ không tìm ra bất thường trong các xét nghiệm kể trên, bác sĩ sẽ cố kích hoạt cơn loạn nhịp với các xét nghiệm khác như:

  • Xét nghiệm gắng sức: một vài rối loạn nhịp tim bị kích hoạt hoặc làm nặng thêm khi bạn gắng sức. Trong xét nghiệm này, bạn sẽ được yêu cầu tập thể dục trên máy chạy bộ hoặc đạp xe và các hoạt động của tim được theo dõi. Nếu bác sĩ đánh giác bạn cần xác định xem có phải bệnh mạch vành gây ra loạn nhịp và bạn gặp khó khăn trong việc tập thể dục thì bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc để làm tim bạn hoạt động tương tự lúc bạn tập thể dục.
  • Nghiệm pháp bàn nghiêng: bác sĩ có thể cho bạn thực hiện nghiệm pháp này nếu bạn bị ngất nhiều lần. Nhịp tim và huyết áp của bạn được theo dõi khi bạn nằm trên một cái bàn phẳng. Cái bàn sau đó sẽ được xoay nghiêng sao cho bạn giống như đang đứng lên và bác sĩ quan sách cách tim bạn và hệ thần kinh tự chủ kiểm soát cách chúng phải ứng lại với sự thay đổi góc độ.
  • Xét nghiệm điện sinh lý: bác sĩ sẽ luồn 1 ống thông nhỏ, dễ uốn cong, ở đầu có gắn các điện cực vào các mạch máu tới nhiều diểm trong tim. Một khi đã vào tới tim, các điện cực có thể theo dõi và vẽ lại đương đi của các xung điện khắp tim.

Điều trị

Nếu bạn có rối loạn nhịp tim, bạn có thể lựa chọn chữa trị hoặc không chữa trị. Thông thường, khi rối loạn nhịp tim gây ra các triệu chứng đáng kể hoặc đặt bạn vào nguy cơ bị loạn nhịp nặng hơn hoặc các biến chứng của rối loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn điều trị nó.

Điều trị nhịp tim chậm

Nếu nhịp tim chậm không phải gây ra bởi một nguyên nhân có thể sửa chữa được, bác sĩ sẽ điều trị bằng máy tạo nhịp vì không có loại thuốc nào đáng tin cây có thể làm tăng nhịp tim của bạn.

Điều trị nhịp tim nhanh

Với nhịp tim nhanh, các phương pháp điều trị gồm những cách sau:

  • Nghiệm pháp phế vị: bạn có thể ngưng cơn rối loạn nhịp tim xuất phát từ dưới tâm thất bằng cách sử dụng các cách cụ thể như ngừng thở, ngâm mặt vào chậu nước đá hoặc ho. Những nghiệm pháp này ảnh hưởng tới hệ thần kinh tự chủ kiểm soát nhịp tim (dây thần kinh lang thang), làm cho nhịp tim đập chậm lại. Tuy nhiên, nghiệm pháp phế vị không có tác dụng cho mọi trường hợp rối loạn nhịp tim.
  • Dùng thuốc: một vài kiểu nhịp tim nhanh, bạn có thể được cho dùng thuốc để kiểm soát tần số tim đập hoặc khôi phục nhịp tim về bình thường. Việc dùng thuốc chống loạn nhịp đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ rất quan trọng để giảm thiểu được các biến chứng có thể xảy ra. Nếu bạn bị rung nhĩ, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc kháng đông để giảm nguy cơ tạo cục máu đông.
  • Chuyển nhịp: nếu bạn bị rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện thủ thuật chuyển nhịp, được thực hiện bằng máy hoặc bằng thuốc. Trong thủ thuật này, một dòng điện được đưa vào tim bằng các điện cực gắn trên ngực. Dòng điện này ảnh hưởng tới xung điện của tim và có thể đưa nhịp tim về bình thường.
  • Thủ thuật cắt mô bằng ống thông: trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ luồn một hoặc nhiều ống thông vào tĩnh mạch chạy về tim. Các điện cực ở đầu ống thông dùng nhiệt độ cao hoặc cực kì thấp hoặc năng lượng sóng vô tuyến để phá hủy một nhóm mô nhỏ trong tim và tạo ra một dòng điện ngăn chặn con đường dẫn truyền bất thường gây rối loạn nhịp tim của bạn.

Các thiết bị cấy ghép

Điều trị rối loạn nhịp tim có thể sử dụng các thiết bị dưới đây:

  • Máy tạo nhịp: là một thiết bị cấy ghép có thể giúp kiểm soát các nhịp tim bất thường. Thiết bị này được đặt dưới da gần xương đòn bằng một phẫu thuật nhỏ. Nếu máy tạo nhịp phát hiện ra nhịp tim bất thường, nó sẽ gửi các xung điện kích thích tim đập bình thường.
  • Máy khử rung tim cấy ghép: bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng thiết bị này nếu bạn có nguy cơ cao mắc các rối loạn nhịp tim nhanh ở tâm thất. Nếu bạn bị ngưng tim đột ngột hoặc có các bệnh tim nhất định có thể làm tăng nguy cơ bị ngưng tim, bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn sử dụng thiết bị này. Đây là một thiết bị chạy bằng pin, được cấy dưới da gần xương đòn, khá tương đồng với máy tạo nhịp. Một hoặc nhiều dây chứa các điện cực ở đầu được mắc từ máu tới các tĩnh mạch trong tim và theo dõi nhịp tim liên tục. Nếu nó phát hiện một nhịp tim bất thường, nó sẽ gửi một dòng điện cao năng lượng hoặc năng lượng thấp để khôi phục nhịp tim trở về bình thường. Máy khử rung tim cấy ghép không ngăn ngừa cơn loạn.

Phẫu thuật

Trong một vài trường hợp, phẫu thuật có thể được thực hiện để điều trị rối loạn nhịp tim:

  • Thủ thuật mê cung: trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật cắt một vài đường vào mô cơ tim ở tâm nhĩ để tạo nên một mê cung các mô sẹo. Do các mô này không dẫn điện, nó ảnh hưởng tới các xung điện gây ra một vài rối loạn nhịp tim. Thủ thuật này rất có hiệu quả, nhưng vì nó cần phải phẫu thuật nên nó thường được sử dụng cho những người không đáp ứng với các cách điều trị khác hoặc những người phải phẫu thuật tim vì các lý do khác.
  • Phẫu thuật bắt cầu mạch vành: nếu bạn có bệnh mạch vành trầm trọng cùng với rối loạn nhịp tim, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật bắt cầu mạch vàn. Thủ thuật này có thể cải thiện dòng máu nuôi tim.

Thay đổi lối sống và biện pháp tự khắc phục

Ngoài việc điều trị y tế, bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi lối sống để giữ cho trái tim càng khỏe mạnh càng tốt.

Các biện pháp thay đổi lối sống này bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh: ăn ít muối và mỡ động vật, ăn nhiều rau củ quả và ngũ cốc nguyên cám
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ngưng hút thuốc
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Kiểm soát huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu
  • Uống rượu bia điều độ
  • Đi tái khám thường xuyên

Để ngăn ngừa rối loạn nhịp tim, việc sống lành mạnh để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim là điều quan trọng nhất. Lối sống lành mạnh đó là:

  • Ăn uống lành mạnh
  • Tăng cường các hoạt động thể chất
  • Tránh hút thuốc
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng caffeine và rượu bia
  • Giảm căng thẳng và giận dữ
  • Sử dụng các thuốc không kê đơn cẩn thận

Rối loạn nhịp tim nên được điều trị sớm để tránh những hậu quả nguy hiểm, vì vậy khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đi khám để đươc chuẩn đoán và điều trị sớm nhất. Bạn có thể liên hệ với các bác sĩ của Hello Doctor chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ qua số điện thoại 1900 1246.

Bác sĩ khám, điều trị

Phan Thị Kim Ngân

Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Thị Kim Ngân

Khoa: Tim mạch

Nơi làm việc: Bệnh viện Viện Tim Hồ Chí Minh

Kinh nghiệm: 18 năm

Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa

Đánh giá, chia sẻ Gửi đánh giá

  • Lê Quý Bình

    Chú tôi bị bệnh cường giáp cũng bị rối loạn nhịp tìm. Qua một thời gian điều trị bệnh thì bệnh tình đã thuyên giảm và không còn thấy bị rối loạn nhịp tim nữa.

    05/02/2018
  • Nguyễn Bình

    Nếu thấy có các triệu chứng thì nên đi khám ngay mọi người ạ. Cô em họ tôi mắc bệnh này nhưng do đi khám muộn nên giờ bệnh nặng khó chữa.

    05/10/2017
  • Lệ Thy

    Tôi mới đi khám và bác sĩ cũng bảo tôi mắc bệnh này. Bài viết đã giúp tôi có cái nhìn cụ thể hơn về bệnh

    28/09/2017
  • Lê Tuấn

    Tôi thường thấy tim mình đập nhanh nên đã thử tìm hiểu thông tin và biết được rằng có thể mình đã bị mắc bệnh rối loạn nhịp tim. Sau khị đọc được bài viết này, tôi đã liên hệ với bác sĩ Ngân để được khám bệnh và đến nay bệnh tình đã đỡ hơn rất nhiều, cảm ơn bác sĩ.

    25/08/2017
Đinh Tuấn Đạt (05/02/2018)
Tôi hay cảm thấy tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi. Đi khám bác sĩ Ngân mới biết là mình bị bệnh rối loạn nhịp tim. Điều trị một thời gian thì các triệu chứng của tôi đã giảm. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Bình luận, đặt câu hỏi

Các thông tin cá nhân của bạn sẽ không bị công khai

Nội dung

Đọc thêm

Bài viết đang được cập nhật...