Phù phổi

Phù phổi

Phù phổi xuất hiện đột ngột là một cấp cứu y tế cần được chữa trị ngay tức thì. Mặc dù phù phổi có thể gây tử vong nhưng có thể cải thiện khi bạn được điều trị kịp thời và điều trị bệnh nền cùng lúc.

1. Bệnh phù phổi là gì

2. Triệu chứng của bệnh phù phổi

3. Nguyên nhân gây ra bệnh phù phổi

4. Biến chứng của bệnh phù phổi

5. Điều trị bệnh phù phổi

6. Phòng chống bệnh phù phổi

7. Bác sĩ điều trị

8. Chia sẻ của bệnh nhân

1. Bệnh phù phổi là gì?

Phù phổi là tình trạng xuất hiện dịch dư thừa bên trong phổi. Dịch này tích tụ trong các túi khí của phổi, làm cho việc hít thở trở nên khó khăn hơn. Trong đa số trường hợp, các bệnh tim là nguyên nhân gây ra phù phổi. Tuy nhiên dịch có thể xuất hiện do các nguyên nhân khác như viêm phổi, tiếp xúc với các chất độc và thuốc, chấn thương vùng ngực và luyện tập hay sinh sống ở vùng cao.

>>>Để hiểu vì sao bệnh tim gây ra phù phổi, bạn cần xem thêm thông tin TẠI ĐÂY.

Phương pháp điều trị bệnh phù phổi thay đổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh nhưng cách điều trị thường sử dụng nhất là thở oxy và dùng thuốc.

2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh phù phổi

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng phù phổi có thể xuất hiện đột ngột hay từ từ theo thời gian.

Dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh phù phổi

Triệu chứng phù phổi cấp tính

Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào đã kể trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Phù phổi có thể gây chết người nếu không được chữa trị kịp thời.

Triệu chứng phù phổi mạn tính

  • Cảm thấy khó thở hơn bình thường khi bạn hoạt động thể lực
  • Cảm thấy khó thở khi gắng sức làm gì đó
  • Khó thở khi nằm đầu thấp
  • Khò khè
  • Thức dậy vào ban đêm với cảm giác ngộp thở và có thể giảm bớt khi ngồi dậy
  • Tăng cân nhanh chóng nếu phù phổi gây ra do suy tim sung huyết, là tình trạng tim bơm quá ít máu so với nhu cầu của cơ thể. Số cân nặng tăng lên làm cơ thể bạn chứa đầy dịch, đặc biệt là ở dưới chân.
  • Phù chân
  • Mệt mỏi

Triệu chứng phù phổi do áp lực cao

  • Khó thở sau khi gắng sức tiến triển đến khó thở khi ngồi nghỉ
  • Ho 
  • Đi bộ lên đồi dốc khó khăn, tiến triển đến khó khăn khi đi trên đường bằng
  • Sốt
  • Ho ra đàm bọt màu hồng
  • Tim đập nhanh
  • Khó chịu ở ngực
  • Nhức đầu, có thể đây là triệu chứng đầu tiên

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Phù phổi khẩn cấp là một tình trạng đe dọa tính mạng. Hãy đến các cơ sở y tế gần nhất nếu bạn có các triệu chứng cấp tính dưới đây:

  • Khó thở đột ngột
  • Có cảm giác ngộp nước
  • Thở khò khè
  • Ho ra đàm bọt màu hồng
  • Thở khó kèm với vã mồ hôi
  • Da xám tái
  • Hạ huyết áp đáng kể với các triệu chứng như cảm giác lâng lâng, chóng mặt, yếu hoặc đổ mồ hôi
  • Sự nặng lên bất ngờ của các triệu chứng phù phổi mạn hoặc phù phổi do áp lực cao.

Đừng cố gắng tự lái xe tới bệnh viện, thay vào đó hãy gọi số cấp cứu để được giúp đỡ khẩn cấp.

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Hô Hấp Hello Doctor

☎ Gọi Bác sĩ

유 Chat Bác sĩ trên Facebook

 

3. Nguyên nhân gây ra bệnh phù phổi

Phổi bạn chứa nhiều túi khí nhỏ, co giãn được gọi là phế nang. Khi bạn hít thở, các túi khí này nhận oxy và thải ra CO2, bạn không gặp vấn đề gì trong quá trình trao đổi khí.

Nhưng trong một vài trường hợp cụ thể, các phế nang này căng phồng bởi dịch thay vì khí, ngăn cản quá trình trao đổi khí diễn ra, kết quả là oxy không thể vào máu tới các cơ quan khác được. Có rất nhiều nguyên nhân làm dịch tích tụ trong các phế nang nhưng hay gặp nhất là các nguyên nhân do tim (phù phổi do tim). Hiểu được mối quan hệ giữa tim và phổi có thể giải thích được nguyên nhân tại sao lại như vậy.

Tim bạn hoạt động như thế nào?

Tim bạn có 4 buồng tim, 2 buồng nhĩ ở trên và 2 buồng thất ở dưới. Buồng nhĩ nhận máu từ ngoại vi về tim và bơm xuống buồng thất. Buồng thất bơm máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Các van tim có nhiệm vụ giữ cho dòng máu đi đúng hướng và là các cổng ngăn cách các buồng tim.

Bình thường, máu thiếu oxy từ các cơ quan trong cơ thể chạy về buồng nhĩ phải, sau đó xuống thất phải rồi được bơm lên động mạch phổi tới phổi làm nhiệm vụ trao đổi khí: nhả CO2 và nhận khí oxy. Sau đó máu giàu oxy trở về nhĩ trái qua tĩnh mạch phổi, qua van 2 lá xuống buồng thất trái, sau đó rời tim qua động mạch chủ.

Van động mạch chủ ở đáy động mạch chủ giữ cho máu không chạy ngược về tim. Từ động mạch chủ, máu đi tới các cơ quan khác của cơ thể.

Phù phổi do tim

Phù phổi do tim là một dạng phù phổi gây ra bởi sự tăng áp lực trong các buồng tim. Tình trạng này xảy ra khi buồng thất trái bị hư hại hoặc phải làm việc quá nhiều nên không thể bơm máu nhận từ phổi ra khỏi tim (suy tim sung huyết). Kết quả là áp lực gia tăng trong buồng nhĩ trái, sau đó là tăng áp lực tĩnh mạch và mao mạch phổi, làm cho dịch bị đẩy ra khỏi mao mạch, tràn vào các túi khí.

Các bệnh có thể làm suy yếu buồng thất trái và mất chức năng thất trái bao gồm:

Bệnh động mạch vành: theo thời gian, các động mạch cung cấp máu cho cơ tim bị hẹp lại do các mảng xơ vữa. Cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi một cục máu đông được hình bên trong một trong những nhánh động mạch hẹp này, chặn dòng máu nuôi tim và gây tổn thương vùng cơ tim được cung cấp máu bởi nhánh động mạch đó. Kết quả là vùng cơ tim bị tổn thương không thể bơm máu như trước nữa. Ngoài nguyên nhân cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, động mạch vành bị hẹp dần làm cho cơ tim vùng tâm thất trái bị suy yếu.

Mặc dù các vùng còn lại của tim cố gắng bù đắp cho phần cơ tim đã chết nhưng nó không thể hoạt động hiệu quả hoặc nó bị làm yếu đi bởi công việc dồn thêm. Khi hoạt động bơm máu của tim bị suy yếu, máu sẽ chạy ngược lên phổi, buộc dịch từ trong máu đi ra các túi khí. Đây là tình trạng suy tim sung huyết mãn tính.

Bệnh cơ tim: khi cơ tim bị tổn thương bởi các nguyên nhân mạch máu thì được gọi là bệnh cơ tim. Do bệnh cơ tim làm suy yếu các tâm thất – máy bơm chính của tim – nên tim không thể đáp ứng kịp với các tình huống ép buộc nó phải làm việc cật lực hơn như tăng huyết áp, tăng nhịp tim khi gắng sức hay sử dụng muối quá nhiều làm giữ nước lại trong cơ thể hoặc tình trạng nhiễm trùng. Khi tâm thất trái không thể đáp ứng được các nhu cầu đặt lên nó, dịch sẽ quay lại phổi.

Bệnh van tim: trong bệnh van 2 lá hay bệnh van động mạch chủ, các van tim điều hòa dòng máu chảy bên tim trái không mở đủ rộng (hẹp van tim) hay không đóng khít hoàn toàn (hở van tim). Điều này cho phép máu chảy ngược về tim qua lỗ van.

Khi van bị hẹp, dòng máu không thể chảy về tim bình thường được và áp lưc trong tâm thất trái tăng lên, làm nó phải hoạt động cật lực hơn trong mỗi nhát bóp. Do nó làm việc quá nhiều nên thành tâm thất dày lên, tiếp tục gây áp lực nhiều hơn lên động mạch vành cấp máu cho chính nó, về lâu dài sẽ làm yếu cơ tim vùng tâm thất trái.

Sự tăng áp lực mở rộng lên tâm nhĩ trái, sau đó là tĩnh mạch phổi, làm cho dịch tích tụ trong phổi. Mặt khác, nếu van 2 lá bị hở, máu có thể chảy ngược về phổi mỗi lần tim bóp tống máu đi. Nếu lỗ hổng bất ngờ xuất hiện, bạn có thể bị phù phổi cấp nghiêm trọng.

Tăng huyết áp không điều trị hoặc không kiểm soát được có thể gây tổn thương cơ tim và làm nặng hơn bệnh mạch vành hiện có.

Các bệnh khác có thể gây phù phổi do tim bao gồm tăng huyết áp do hẹp động mạch thận và tràn dịch do thận hoặc do tim.

Phù phổi không do tim

Trong trường hợp này dịch có thể tràn ra ngoài từ mao mạch phổi vào phế nang do bản thân mao mạch tăng áp suất thẩm thấu hay bị rò rỉ mà không phải chịu áp lực từ tim. Các yếu tố có thể gây phù phổi không do tim bao gồm:

  • Hội chứng suy hô hấp cấp: xảy ra khi phổi đột ngột chứa đầy dịch và bạch cầu. Có rất nhiều bệnh có thể gây ra hội chứng này như chấn thương nặng, nhiễm trùng hệ thống (nhiễm trùng máu), viêm phổi và mất máu nặng.
  • Độ cao: các nhà leo núi và những người sống hay di chuyển tới vùng cao có nguy cơ bị phù phổi do độ cao. Tình trạng này thường xảy ra ở độ cao khoảng 2400m so với mực nước biển, có thể ảnh hưởng tới các nhà leo núi hay những người trượt tuyết ở độ cao mà không được thích nghi trước vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên những người đã từng leo núi hay trượt tuyến ở các vùng núi cao cũng không được miễn dịch. Mặc dù nguyên nhân trực tiếp tới hiện giờ vẫn chưa tìm ra, phù phổi do độ cao có vẻ là kết quả của việc tăng áp lực do mao mạch phổi co lại. Nếu như không được chữa trị phù hợp, nó có thể gây chết người, nhưng nguy cơ này có thể giảm thiểu được.
  • Bệnh lý thần kinh: có một kiểu phù phổi gọi là phù phổi do thần kinh có thể xảy ra sau một vài bệnh lý có liên quan tới thần kinh hoặc sau thủ thuật nào đó như sau chấn thương đầu, sau cơn động kinh hay chảy máu dưới hộp sọ hoặc sau phẫu thuật.
  • Tác dụng có hại của thuốc
  • Nhồi máu phổi là tình trạng khi cục máu đông trôi tới phổi từ một tĩnh mạch dưới chân gây tắc nghẽn dòng máu phổi, có thể dẫn tới phù phổi.
  • Nhiễm trùng
  • Chấn thương phổi: phù phổi có thể xảy ra sau phẫu thuật lấy huyết khối trong phổi, nhưng nó chỉ xảy ra ở vùng phổi có cục máu đông. Nó cũng có thể xảy ra sau khi một bên phổi bị xẹp và được làm phồng lên lại hay hiếm hơn là sau khi một thể tích dịch được lấy ra khỏi phổi.
  • Phù phổi không do tim cũng xảy ra trực tiếp ở bên thành ngực bị đè ép do chấn thương.
  • Tiếp xúc với chất độc, bao gồm các chất độc bạn hít vào cũng như các chất độc di chuyển tuần hoàn trong cơ thể bạn. Ví dụ bạn hít vào một vài chất chứa trong dạ dày khi bạn ói, hít ammoniac và clo trong tai nạn xe lửa gây kích ứng dữ dội tới các đường dẫn khí nhỏ và phế nang, làm tích tụ dịch.
  • Hít khói: khói từ một ngọn lửa chứa các chất hóa học gây tổn thương lớp màng giữa phế nang và mao mạch, làm dịch tràn vào phổi.
  • Đuối nước: hít phải nước có thể gây phù phổi không do tim

4. Biến chứng và tác hại của bệnh phù phổi

Nếu tình trạng phù phổi tiếp tục diễn ra, nó có thể làm tăng áp lực động mạch phổi, sau đó là tâm thất phải, làm tâm thất phải yếu dần đi và bắt đầu suy chức năng. Buồng thất phải có thành cơ mỏng hơn buồng thất trái vì nó bơm máu lên phổi với áp lực thấp. Sự gia tăng áp lực quay lên buồng nhĩ phải sau đó tới các phần khác của cơ thể có thể gây ra:

Nếu không được chữa trị, phù phổi cấp có thể gây chết người. Trong một vài tình huống vẫn có thể gây tử vong cho dù bạn đã được điều trị.

5. Các phương pháp điều trị bệnh phù phổi

Chuẩn bị trước khi đi khám

Nếu không được chữa trị, phù phổi cấp có thể gây chết người. Trong một vài tình huống vẫn có thể gây tử vong cho dù bạn đã được điều trị. Nếu bạn nghĩ bạn có các triệu chứng của phù phổi, hãy gọi 115 để được cấp cứu thay vì đi khám bệnh thông thường. Hầu hết bệnh nhân phù phổi sẽ được nhập viện ít nhất vài ngày, có khi lâu hơn để được điều trị.

Trước khi tới bệnh viện bạn nên:

  • Ghi lại bất kì triệu chứng nào bạn đang gặp phải, bao gồm những triệu chứng có vẻ như không liên quan tới lí do đi khám bệnh lần này.
  • Ghi lại các triệu chứng tương tự trước đây trong quá khứ, kể cả khi bạn không đi khám bệnh.
  • Ghi lại các thông tin cá nhân chính
  • Đem theo bảng ghi chép các thông tin y tế nếu có thể, bao gồm giấy ra viện, kết quả các xét nghiệm về tim cũng như ghi chép của các bác sĩ tim mạch trước đó.
  • Ghi lại các thuốc cũng như các loại vitamin hay thuốc bổ bạn đang sử dụng
  • Theo dõi cân nặng của bạn và ghi lại sự thay đổi của nó
  • Ghi lại danh sách các loại thức ăn chứa muối bạn hay ăn
  • Nhờ một người thân trong gia đình hoặc bạn bè đi chung với bạn. Họ sẽ giúp bạn ghi nhớ các thông tin được cung cấp trong buổi khám bệnh mà bạn có thể quên hoặc bỏ qua.
  • Ghi lại các câu hỏi cần hỏi bác sĩ.

Chẩn đoán

Do phù phổi phải được điều trị kịp thời nên bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bạn và sau khi khám thực thể, điện tâm đồ và X-quang ngực.

Khi tình trạng của bạn đã ổn định, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật của bạn, đặc biệt tình trạng bệnh tim hoặc phổi trước đó.

Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán phù phổi hay dùng để xác định nguyên nhân có dịch trong phổi bạn là:

- X-quang ngực: là xét nghiệm đầu tiên bạn được thực hiện để xác nhận chẩn đoán phù phổi và loại trừ các nguyên nhân khác gây khó thở.

- Đo oxy mao mạch: dùng một cảm biến gắn vào đầu ngón tay hay lỗ tai và dùng ánh sáng để xác định nồng độ oxy trong máu của bạn.

- Xét nghiệm máu: bạn có thể được lấy máu từ động mạch ở vùng cổ tay và đem đi xét nghiệm để kiểm tra nồng độ oxy cũng như CO2 trong máu của bạn (đo khí máu động mạch).

  • Máu của bạn cũng sẽ được xét nghiệm để đo nồng độ một chất gọi là chất lợi tiểu type B (BNP). Sự gia tăng nồng độ BNP có thể cho biết phù phổi gây ra bởi bệnh tim.
  • Các xét nghiệm máu khác cũng sẽ được thực hiện bao gồm xét nghiệm chức năng thận, chức năng tuyến giáp và đếm tế bào máu và các xét nghiệm để loại trừ nhồi máu cơ tim.

- Đo điện tâm đồ (đo ECG): xét nghiệm không xâm lấn này có thể bộc lộ 1 lượng lớn thông tin về tim của bạn. Khi đo điện tâm đồ, các miếng điện cực được dán lên da và nhận các xung động điện từ tim. Chúng được ghi lại dưới dạng các sóng trên màn hình hoặc tờ giấy. Các sóng này cho biết nhịp tim và tần số của tim cũng như vùng nào của tim đang bị giảm lưu lượng máu.

- Siêu âm tim: đây là xét nghiệm không xâm nhập sử dụng một thiết bị nhìn giống cái đũa gọi là đầu dò để tạo sóng âm tần số cao có thể dội lại từ mô cơ tim. Sóng âm này sau đó sẽ được truyền tới một cái máy để chuyển từ dạng sóng thành hình ảnh của tim trên màn hình.

  • Xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán được nhiều bệnh của tim như bệnh van tim, sự chuyển động bất thường của thành tâm thất, tràn dịch màng ngoài tim và bệnh tim bẩm sinh.
  • Nó cũng cho thấy các vùng bị giảm lưu lượng máu và hoạt động của tim khi bơm máu. Nó cũng có thể ước đoán được có sự gia tăng áp lực ở tim phải và ở động mạch phổi hay không.

- Siêu âm tim qua ngả thực quản: ở xét nghiệm này, bác sĩ luồn một ống thông mềm, dễ uốn với đầu dò nằm ở đầu ống thông xuống miệng tới thực quản, cho phép bác sĩ thấy được hình ảnh rõ ràng và chính xác hơn của tim do thực quản nằm ngay sau tim trong lồng ngực.

- Thủ thuật đặt ống thông động mạch phổi: nếu các xét nghiệm khác không tìm ra được nguyên nhân gây phù phổi, bác sĩ có thể cho bạn làm một thủ thuật để đo áp lực trong mao mạch phổi. 

  • Trong xét nghiệm này, bác sĩ luồn một ống thông nhỏ, đầu có dạng bong bóng vào một tĩnh mạch ở dưới chân hoặc tay của bạn rồi luồn lên động mạch phổi. Ống thông có 2 lỗ nối với đầu dò áp lực. Bong bóng được bơm phồng lên rồi xì xuống để đo áp lực.

- Thủ thuật đặt ống thông tim: nếu đo điện tim và siêu âm tim không tìm ra được nguyên nhân gây phù phổi hay bạn bị đau ngực, bác sĩ có thể cho bạn làm thủ thuật đo áp lực tim và chụp mạch vành.

  • Trong thủ thuật đặt ống thông tim, bác sĩ luồn một ống thông nhỏ, dài vào động mạch hay tĩnh mạch ở đùi, cổ hay tay và luồn nó tới tim thông qua hình ảnh Xquang. Sau đó bác sĩ bơm thuốc cản quang vào mạch máu để làm hiện mạch máu đó dưới chum tia Xquang.
  • Trong quá trình thực hiện thủ thuật này, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp điều trị khác như mở nhánh động mạch bị tắc, có thể cải thiện nhanh chóng hoạt động bơm máu của thất trái. Thủ thuật đặt ống thông tim có thể dùng để đo áp lực của các buồng tim, tiếp cận được các van tim và tìm nguyên nhân gây phù phổi.

Điều trị bệnh phù phổi

Điều trị

Cung cấp oxy là bước điều trị đầu tiên của phù phổi. Bạn được cung cấp oxy thông qua mặt nạ hoặc ống thông mũi. Việc này sẽ làm giảm nhẹ các triệu chứng của bạn. Bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ oxy trong máu cẩn thận. Đôi khi bạn có thể cần hỗ trợ thở bằng máy thở.

Phụ thuộc vào tình trạng và nguyên nhân gây phù phổi, bạn có thể được dùng thêm một vài loại thuốc khác. Nếu phù phổi gây ra bởi các bệnh khác như bệnh thần kinh, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân gây ra bệnh đó cũng như điều trị phù phổi.

Điều trị phù phổi do độ cao

Nếu bạn đi tới nơi cao và đang gặp các triệu chứng nhẹ của chứng phù phổi do độ cao, hãy giảm bớt cao độ từ 600 – 900 càng nhanh càng tốt, điều đó sẽ làm giảm nhẹ các triệu chứng của bạn. Bạn cũng nên hạn chế các hoạt động thể chất và giữ ấm vì khi bạn hoạt động hoặc nhiễm lạnh sẽ làm cho các triệu chứng nặng thêm.

Oxy thường là cách điều trị đầu tiên và sẽ làm giảm bớt các triệu chứng của bạn. Nếu nguồn cung cấp oxy không có sẵn, bạn có thể sử dụng buồng cao áp di động để điều chỉnh áp lực vài giờ cho tới khi bạn xuống mức độ cao thấp hơn.

Khi các triệu chứng của bạn nặng hơn, bạn cần phải được cấp cứu. Một trực thăng giải cứu có thể được huy động trong các trường hợp nghiêm trọng vì phù phổi do độ cao có thể đe dọa tới tính mạng.

Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục

Phụ thuộc vào tình trạng của bạn, bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi lối sống bằng cách:

  • Kiểm soát bệnh tăng huyết áp của bạn: dùng thuốc như đã kê đơn và theo dõi huyết áp định kì, ghi lại kết quả. 
  • Kiểm soát các bệnh khác như kiểm soát đường máu nếu như bạn bị đái tháo đường.
  • Tránh các nguyên nhân gây bệnh của bạn: nếu bệnh của bạn gây ra bởi thuốc, các chất gây dị ứng hoặc độ cao, hãy tránh xa các yếu tố này để giảm thiểu tổn thương tới phổi.
  • Bỏ hút thuốc
  • Ăn uống lành mạnh, ăn ít muối, tăng rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên cám
  • Duy trì cân nặng lí tưởng và tập thể thao

6. Phòng chống bệnh phù phổi

Phù phổi không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được, nhưng những cách dưới đây giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh:

Phòng bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch dẫn tới chứng phù phổi. Bạn có thể làm giảm nguy cơ của nhiều bệnh tim mạch bằng cách:

  • Kiểm soát huyết áp của bạn bằng cách tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng tốt cho sức khỏe, ăn nhiều rau củ quả và sản phẩm sữa ít béo, hạn chế muối và cồn.
  • Theo dõi nồng độ cholesterol máu: cholesterol là một trong những loại chất béo có lợi cho sức khỏe. Nhưng có quá nhiều cholesterol thì lại không hẳn tốt. Mức cholesterol cao hơn bình thường có thể làm các mảnh vụn chất béo đóng ở thành các động mạch, cản trở lưu thông của dòng máu và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Những thay đổi lối sống giúp bạn giữ mức cholesterol ở mức thấp. Thay đổi lối sống bao gồm hạn chế chất béo (nhất là chất béo bão hòa), ăn nhiều chất xơ, cá, rau củ quả tươi, tập thể dục thường xuyên, ngưng hút thuốc và uống rượu bia điều độ.
  • Đừng hút thuốc
  • Ăn uống lành mạnh: ăn ít muối, đường và chất béo rắn, ăn nhiều rau củ quả và ngũ cốc nguyên cám
  • Hạn chế muối
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng ở mức bình thường
  • Quản lý căng thẳng

Ngăn ngừa phù phổi do độ cao

Nếu bạn sắp đi tới vùng đồi núi cao, hãy tập cho cơ thể thích nghi dần dần với độ cao đó. Mặc dù có nhiều lời khuyên nhưng các chuyên gia khuyên rằng không nên tăng độ cao hơn 306m trong một ngày khi bạn đã ở độ cao 2500m so với mực nước biển. Nghỉ ngơi thêm 1 ngày cho mỗi 188-366m độ cao khi bạn ở độ cao trên 2500m.

Ngay khi thấy bệnh nhân có các dấu hiệu của bệnh phù phổi, hãy đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy gọi cho Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại: 1900 1246 để đặt lịch khám, chúng tôi luôn sẵn lòng được hỗ trợ cho bạn.

Bác sĩ khám, điều trị

Nguyễn Hoàng Bình

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bình

Khoa: Hô hấp, Mạch máu, Nội tiết, Ngoại lồng ngực

Nơi làm việc: Bệnh viện Chợ Rẫy

Kinh nghiệm: 32 năm

Vị trí: Trưởng khoa Ngoại Lồng Ngực - Mạch máu

Đánh giá, chia sẻ Gửi đánh giá

  • Phan Hồng Vân

    Bố tôi cũng bị phù phổi do bệnh tim gây ra. Sức khỏe của ông rất kém. Hiện gia đình đang tích cực điều trị để cho bố tôi khỏe lên. Căn bệnh này đúng là rất đáng sợ.

    02/03/2018
  • Nguyễn Hữu Trí

    Cảm giác như người mình bị đè ngàn cân lên ngực, mỗi lần hít ra thở vào khổ nhọc cảm giác như bị hư thoát. Bệnh này chỉ có ngồi mà ngủ, nằm ngủ không nổi. Đi tới bác sĩ điều trị được rút bớt dịch ra thấy như sống lại vậy.

    16/10/2017
  • Nguyễn Văn Cầm

    Bệnh này cần phải chữa trị trong bao lâu ạ

    05/10/2017
  • Lê Uyên

    Căn bệnh này thực sự rất nguy hiểm, khi thấy có triệu chứng là phải đưa đi cấp cứu ngay, để lâu có thể khiến người bệnh tử vong đó.

    28/09/2017
  • Nguyễn Kiều My

    Căn bệnh này thực sự rất nguy hiểm, bác tôi đã mất oan vì căn bệnh này đấy. Mọi người nên đi khám ngay khi thấy có các dấu hiệu của bệnh.

    12/09/2017
Phạm Văn Bách (02/03/2018)
Bố tôi hay thở khò khè, đặc biệt bố tôi cảm thấy cực kỳ khó thở, nhất là khi nằm xuống. Bố tôi còn hay ho ra đờm có lẫn máu. Gia đình tôi đưa bố tôi đi khám thì bác sĩ bảo bố tôi bị bệnh phù phổi. Nhờ bài viết này tôi đã hiểu rõ hơn về căn bệnh mà bố tôi đang mắc phải. Cảm ơn bác sĩ.

Bình luận, đặt câu hỏi

Các thông tin cá nhân của bạn sẽ không bị công khai

Nội dung

Đọc thêm

Bài viết đang được cập nhật...