Nước tiểu màu vàng sẫm là dấu hiệu của bệnh gì?
Chào bác sĩ, tôi tên là Ngọc. Thời gian gần đây, nước tiểu của tôi có màu vàng sẫm hơn trước. Tôi lo lắng không biết mình có phải đang mắc bệnh gì không. Bác sĩ có thể giải đáp cho tôi về vấn đề này được không ạ.
Trả lời:
Chào bạn Ngọc, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Có nhiều nguyên nhân khiến cho nước tiểu trở nên sẫm màu. Để giúp bạn giải đáp được những thắc mắc của mình, chúng tôi xin đưa ra một số thông tin như sau:
1. Nước tiểu màu vàng sẫm là gì
2. Nguyên nhân gây ra nước tiểu màu vàng sẫm
4. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
1. Thế nào là nước tiểu màu vàng sẫm
Nước tiểu được tạo thành ở thận. Khi bạn ăn hoặc uống, lượng thức ăn đó đi xuống ống tiêu hóa, sau đó vào máu và tới thận, tại đây thận sẽ lọc bỏ những chất cặn để thải ra ngoài. Dịch lọc được đưa xuống bàng quang bằng niệu quản, sau đó nước tiểu từ bàng quang được thải ra ngoài bằng niệu đạo.
Thông thường, nước tiểu có màu vàng nhạt, điều này chứng tỏ bạn không bị thiếu nước. Màu vàng của nước tiểu là do một sắc tố của mật tên là urobilin tạo ra. Nước tiểu càng sẫm màu thì nó càng bị cô đặc. Nếu nước tiểu của bạn không trùng với màu nước tiểu bình thường, đừng hoảng loạn. Có rất nhiều thứ có thể làm thay đổi màu nước tiểu, bao gồm thức ăn, các loại thuốc mà bạn đang sử dụng hoặc một căn bệnh tiềm ẩn nào đó và các màu của nước tiểu có thể cho biết cơ thể bạn đang gặp vấn đề gì. Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng có thể là dấu hiệu cho thấy có máu trong nước tiểu. Nước tiểu màu nâu có thể do một loại thuốc mới hoặc do 1 bệnh nào đó trầm trọng hơn.
2. Nguyên nhân gây ra nước tiểu màu vàng sẫm
Nguyên nhân làm nước tiểu sậm màu thường gặp nhất là do mất nước. Tuy nhiên nó cũng có thể là dấu hiệu cho biết cơ thể đang dư thừa các sản phẩm chuyển hóa bất thường hoặc nguy hiểm như dư thừa sắc tố mật do bệnh gan gây ra. Nước tiểu có máu là dấu chỉ điểm cho các vấn đề khác như tổn thương trực tiếp tới thận. Ngoài ra một vài loại thuốc hoặc thức ăn có thể làm thay đổi màu của nước tiểu.
Các loại thức ăn có thể làm thay đổi màu nước tiểu là:
- Cây lô hội
- Đậu dâu tằm
- Màu thực phẩm
- Cây đại hoàng
Các thuốc có thể làm thay đổi màu nước tiểu là:
- Thuốc trị sốt rét
- Thuốc kháng sinh
- Viên bổ sung sắt
- Thuốc nhuận trường
- Thuốc trị bệnh Parkinson
- Thuốc trị lao
- Thuốc kháng đông
- Thuốc hóa trị liệu
Các bệnh có thể làm thay đổi màu nước tiểu là:
- Viêm gan
- Hội chứng tiêu cơ vân cấp
- Xơ gan
- Viêm cầu thận
- Thiếu nước
- Chấn thương
- Tắc nghẽn đường mật
- Sỏi mật
- Sỏi bàng quang
- Ung thư bàng quang
- Vàng da
- Ung thư thận
- Ung thư tụy
- Sốt rét
- Bệnh tan máu bẩm sinh (bệnh Thalassemia)
- Bệnh Porphyria
- Tác dụng phụ của thuốc kháng đông
- Sỏi thận
Ngoài ra tập luyện quá mức cũng có thể làm cho nước tiểu đổi màu. Tập luyện cực độ làm tổn thương cơ vân, giải phóng các sản phẩm độc hại quá nhiều vào máu, làm thận phải lọc nhiều. Hậu quả là nước tiểu có thể có màu hồng hoặc có màu xá xị.
Đôi khi rất khó để chỉ ra được sự khác biệt giữa thiếu nước và các nguyên nhân khác gây ra nước tiểu sẫm màu. Nếu bạn bị mất nước, nước tiểu của bạn thường có màu hổ phách hoặc mật ong.
Nếu nước tiểu sẫm màu do các nguyên nhân khác, nó có thể có màu nâu hoặc đỏ, một vài người thấy nước tiểu có màu gần giống với siro. Đó là biểu hiện cho thấy họ đang có vấn đề với gan hoặc thận.
Nếu bạn bị mất nước, bạn có thể có thêm các triệu chứng khác ngoài triệu chứng nước tiểu sẫm màu. Các triệu chứng đó là:
- Choáng váng hoặc chóng mặt
- Khô miệng
- Da khô
- Đau đầu
- Khát nước
- Táo bón
Nếu bạn uống nhiều nước và nước tiểu trở nên nhạt hơn, có thể nguyên nhân làm nước tiểu bạn sẫm màu là do mất nước.
Các mẫu nước tiểu sẫm màu
3. Biện pháp chăm sóc khi có triệu chứng nước tiểu sẫm màu
Nếu nước tiểu của bạn có màu do bạn đang sử dụng một loại thuốc nào đó, bạn nên tiếp tục sử dụng chúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn lo lắng về màu của nước tiểu khi bạn đang dùng thuốc. Bạn cũng có thể tránh ăn các thức ăn làm thay đổi màu của nước tiểu.
Nếu nước tiểu sẫm màu là do thiếu nước, bạn nên uống nhiều nước hơn, khoảng 2 – 3 lít nước 1 ngày. Cố gắng uống thêm 1 ly nước đầy sau khi thức dậy và mang theo bên người 1 chai nước để uống đủ lượng nước cơ thể cần. Tuy nhiên nếu nước tiểu của bạn có màu quá nhạt, gần như trong suốt, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã uống quá nhiều nước.
4. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bất kì thay đổi nào về màu sắc nước tiểu không liên quan tới các loại thức ăn hoặc các thuốc có thể làm thay đổi màu nước tiểu nên được báo cho bác sĩ biết.
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn thấy máu hiện diện trong nước tiểu hoặc nếu bạn uống đủ nước nhưng nước tiểu vẫn có màu vàng sẫm. Tìm ra nguyên nhân làm nước tiểu đổi màu rất quan trọng.
Nếu bạn thấy nước tiểu sẫm màu và đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, nôn, đau buốt vùng hông lưng, bạn nên tới trung tâm y tế gần nhất để được can thiệp nhanh chóng.
Bạn Ngọc thân mến, như chúng tôi đã cung cấp ở trên, có nhiều nguyên nhân gây ra nước tiểu sẫm màu, gồm cả nguyên nhân bệnh lý, do sử dụng một số loại thuốc hay do thức ăn. Bạn nên xem xét xem mình bị nước tiểu sẫm màu là do nguyên nhân gì và từ đó có biện pháp cải thiện. Trong trường hợp bạn không xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng của mình thì bạn nên đi khám bác sĩ. Bạn có thể liên hệ đặt khám với các bác sĩ của Hello Doctor chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ qua số điện thoại 1900 1246.
Cảm ơn bạn đã quan tâm!
Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.
Bình luận, đặt câu hỏi