Chia sẻ từ A đến Z về triệu chứng tê bàn chân
Chào bác sĩ, tôi tên là Tuấn. Thời gian gần đây mỗi khi ngủ dậy là tôi lại bị tê bàn chân, mất một lúc mới bình thường lại. Trước đây tôi không bị như vậy. Tôi không biết là mình có đang mắc phải bệnh gì không. Bác sĩ có thể cho tôi lời khuyên được không ạ. Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Chào bạn Tuấn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Bạn đang có triệu chứng tê bàn chân và không cần quá lo lắng về tình trạng hiện tại của mình. Để giúp bạn hiểu rõ hơn và tìm ra nguyên nhân khiến bạn bị tê bàn chân, chúng tôi xin đưa ra một số thông tin về triệu chứng bạn đang mắc phải như sau:
2. Nguyên nhân gây ra tê bàn chân
===
Tham vấn thông tin, tư vấn và hẹn khám bệnh:
===
1. Tê bàn chân là gì?
Tê được định nghĩa là sự mất cảm giác hoặc mất xúc giác ở một phần nào đó của cơ thể. Triệu chứng này thường đi kèm với các thay đổi xúc giác khác như dị cảm, ngứa ran hay nóng rát. Cảm giác tê có thể xảy ra dọc theo một dây thần kinh, nửa bên cơ thể hay xảy ra toàn cơ thể.
Tê bàn chân (tên tiếng Anh là Foot Numbness) là sự mất cảm giác ở bàn chân tạm thời hoặc kéo dài, có thể đi kèm với các triệu chứng khác như dị cảm, ngứa ran hoặc nóng rát bàn chân hoặc các ngón chân.
Tê bàn chân có thể là triệu chứng tạm thời hay là hậu quả của một bệnh mãn tính như đái tháo đường (tiểu đường). Các triệu chứng có thể tiến triển dần. Bạn bắt đầu cảm thấy mất cảm giác ở một vài vùng ở bàn chân, sau đó tình trạng này tiến triển dần dần và bàn chân của bạn dần mất hết cảm giác.
Triệu chứng chính khi bị tê bàn chân là tình trạng mất cảm giác ở vùng bàn chân, ảnh hưởng tới xúc giác và khả năng giữ thăng bằng của bạn vì bạn không thể nhận biết được mặt đất và vị trí của bàn chân trên mặt đất.
Nếu mất cảm giác là triệu chứng chính của tê bàn chân thì bạn còn có thể gặp một vài thay đổi xúc giác bất thường khác như:
- Cảm giác châm chích
- Ngứa ran vùng bàn chân
- Nóng rát vùng bàn chân
- Dị cảm
- Nhạy cảm với cảm giác đau
- Yếu chân không đứng được
2. Nguyên nhân gây ra triệu chứng tê bàn chân
Cơ thể con người chứa một mạng lưới các dây thần kinh cực kì phức tạp đi từ đầu các ngón tay và ngón chân về não và chạy từ não tới các đầu ngón tay, ngón chân. Nếu bạn bị tổn thương, bị tắc mạch do cục máu đông, bị nhiễm trùng hay chèn ép vào các dây thần kinh ở chân, bạn có thể bị tê bàn chân.
Dưới đây là các nhóm nguyên nhân thường gặp nhất gây tê bàn chân:
Tê bàn chân do tư thế
Nguyên nhân đơn giản nhất gây tê bàn chân là do tư thế. Chúng ta đều từng bị tê bàn chân ít nhất một lần trong đời do ngồi, đứng hoặc nằm ở một tư thế nào đó quá lâu. Việc này có thể làm tắc tạm thời dòng máu cung cấp cho bàn chân, làm bạn cảm thấy tê. Kiểu tê bàn chân này có thể được cải thiện dễ dàng bằng cách thay đổi tư thế, và khi dòng máu tới bàn chân được khôi phục hoàn toàn thì cảm giác tê này sẽ biến mất.
Tổn thương trực tiếp tới dây thần kinh
Đôi khi, tê bàn chân xảy ra khi các dây thần kinh ở vùng bàn chân bị đè ép bất thường. Thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng có thể chèn ép vào tủy sống, có thể gây tê cả chân. Nếu lực chèn ép vừa đủ để gây tổn thương các dây thần kinh vùng bàn chân, nó có thể gây tê cả bàn chân. Mang giày quá chật, đặc biệt là mang giày cao gót, có thể dẫn tới bệnh u dây thần kinh Mortan, là kết quả của việc đè ép bất thường lên các dây thần kinh vùng gót chân, gây tê bàn chân.
Tuần hoàn kém
Các bệnh về mạch máu như bệnh mạch máu ngoại biên và hội chứng Raynaud làm hạn chế dòng máu tới bàn chân, gây tê bàn chân. Bệnh động mạch mạch ngoại biên xảy ra khi các động mạch cung cấp máu cho bàn chân bị hẹp, làm giảm dòng máu tới phần xa của chân như đầu ngón chân. Bệnh này có thể gây tê chân, đặc biệt là khi đi lại. Còn hội chứng Raynaud là tình trạng tê bàn chân khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Một khi dòng máu tới chân được cải thiện thì tình trạng tê bàn chân sẽ biến mất.
Bệnh lý thần kinh do đái tháo đường
Đái tháo đường (tiểu đường) là một bệnh nguy hiểm ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể. Đái tháo đường thường gây tê chân, gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên. Tê bàn chân xảy ra do việc kiểm soát kém đường huyết. Tình trạng đường huyết cao gây tổn thương các dây thần kinh gây tê chân cũng như tê bàn chân. Kiểu tổn thương thần kinh này không thể hồi phục được.
Bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng là một bệnh lý tự miễn, gây ra do hệ miễn dịch của cơ thể phá hủy lớp vỏ bảo vệ bao xung quanh các dây thần kinh ngoại biên. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở vùng bàn chân, gây tê bàn chân. Tổn thương thần kinh trong bệnh đa xơ cứng là một tổn thương tiến triển và mặc dù tổn thương này không thể hồi phục được, nhưng tình trạng tê bàn chân có thể tái đi tái lại nhiều lần và tê bàn chân nặng có thể làm mất khả năng đi lại của người bệnh.
Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng này gây ra do chèn ép phần sau của dây thần kinh chày bên trong mắt cá trên đường đi xuống bàn chân. Dây thần kinh chày đi qua một đường hầm nhỏ và hẹp để xuống vùng bàn chân và rất dễ bị chèn ép nếu nó bị kích thích hoặc bị viêm. Điều này sẽ dẫn đến cảm giác ngứa rát và tê bàn chân.
Các bệnh lý khác
- Nghiện rượu
- Ngộ độc thuốc
- Thiếu vitamin B12
3. Biện pháp tự chăm sóc khi bị tê bàn chân
Tê bàn chân đem lại cảm giác khó chịu cho bạn và có thể cản trở bạn thực hiện các công việc hàng ngày. Để làm giảm bớt sự khó chịu khi bị tê chân, bạn có thể thực hiện các mẹo nhỏ dưới đây:
Chườm ấm lên vùng bàn chân bị tê. Việc này giúp tăng cường lượng máu tới vùng bị tê và làm giãn cơ cũng như các dây thần kinh, làm giảm bớt cảm giác tê bàn chân.
Mát xa bàn chân khi bị tê là một cách đơn giản khác để đối phó với vấn đề này. Mát xa giúp gia tăng dòng máu tới bàn chân, làm giảm cảm giác tê. Hơn nữa, mát xa giúp kích thích các dây thần kinh và các cơ vùng bàn chân, cải thiện hoạt động của chúng.
Tập thể dục có thể cải thiện dòng máu và tăng lượng oxy tới tất cả các phần của cơ thể, do đó giúp ngăn ngừa tê và ngứa ran ở bất kì đâu trong cơ thể. Thêm vào đó, tập thể dục thường xuyên giúp bạn dẻo dai hơn và ngăn ngừa được nhiều vấn đề sức khỏe khác. Tập các bài tập dành cho bàn tay và bàn chân đơn giản trong vòng 15 phút mỗi buổi sáng và nhớ khởi động kĩ trước khi tập thể dục để tránh chấn thương do không khởi động kĩ.
4. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Tê bàn chân xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Hãy đi khám bác sĩ nếu tê bàn chân:
- Xuất hiện hoặc nặng lên từ từ
- Ảnh hưởng cả 2 bên chân
- Hay bị tái phát
- Có liên quan với các hoạt động hàng ngày, nhất là các hoạt động lặp lại nhiều
- Chỉ ảnh hưởng tới một phần của bàn chân như ngón chân
Hãy gọi cấp cứu hoặc tới trung tâm y tế gần nhất để được giúp đỡ nếu tình trạng tê bàn chân của bạn:
- Xuất hiện đột ngột
- Xảy ra sau chấn thương vùng đàu
- Đi kèm với tê cả cánh tay hoặc cả vùng bắp chân
Hoặc tình trạng tê bàn chân đi kèm với các triệu chứng sau:
Bạn Tuấn thân mến, tình trạng tê bàn chân của bạn do không có các triệu chứng khác xuất hiện cũng như không kéo dài, bạn nên xem lại tư thế ngủ của mình có đúng không. Bạn có thể áp dụng các biện pháp tự chăm sóc mà chúng tôi đã đưa ra. Nếu sau khi đã áp dụng các biện pháp chăm sóc mà tình trạng trên vẫn không đỡ hoặc có chiều hướng trầm trọng hơn thì bạn nên đi khám bác sĩ để được khám bệnh và điều trị.
Bạn có thể liên hệ đặt khám với các bác sĩ của Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại 1900 1246 để được các bác sĩ giúp đỡ và hỗ trợ. Khi điều trị tại Hello Doctor, bạn sẽ được điều trị bởi những bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm.
Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.
Bình luận, đặt câu hỏi