Nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm là một trong những bệnh về tim mạch khá phổ biến. Trong một số trường hợp, nhịp tim chậm không gây nguy hiểm nhưng cũng có trường hợp nhịp tim chậm đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
2. Triệu chứng của bệnh nhịp tim chậm
3. Nguyên nhân gây ra bệnh nhịp tim chậm
4. Biến chứng của bênh nhịp tim chậm
5. Điều trị bệnh nhịp tim chậm
1. Bệnh nhịp tim chậm là gì?
Nhịp tim chậm (tên tiếng Anh là Bradycardia) là tình trạng tim đập chậm hơn so với nhịp tim bình thường. Lúc nghỉ, tim người trưởng thanh thường đập từ 60 đến 100 lần/phút. Nhịp tim chậm là khi tim đập dưới 60 lần/phút.
Nhịp tim chậm sẽ là một vấn đề nghiêm trọng nếu tim không bơm đủ máu giàu oxy cho cơ thể. Tuy nhiên, ở một vài người, nhịp tim chậm không gây ra bất kì triệu chứng hay biến chứng nào mà chỉ là cơ địa sinh lý.
2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh nhịp tim chậm
Nếu bạn có nhịp tim chậm, não và các cơ quan khác có thể không nhận đủ oxy, và có thể dẫn đến những triệu chứng sau:
- Gần ngất hoặc ngất xỉu
- Hoa mắt hoặc lâng lâng
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Đau ngực
- Rối loạn tri giác hoặc các vần đề về trí nhớ
- Dễ mệt khi vận động thể chất
Khi nào nhịp tim chậm là bình thường?
Những người lớn trẻ tuổi, khỏe mạnh và những vận động viên được huấn luyện, nhịp tim chậm dưới 60 lần/ phút ở họ là bình thường và không được xem là một vấn đề sức khỏe.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nhiều tình trạng có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của nhịp tim chậm. Điều quan trọng là nhận được chẩn đoán nhanh, chính xác và sự chăm sóc thích hợp. Hãy đi khám khi bạn hoặc con của bạn có các triệu chứng của nhịp tim chậm.
Nếu bạn bị ngất, khó thở hoặc đau ngực kéo dài trên vài phút, hãy nhập viện khẩn cấp hoặc gọi cấp cứu. Ngoài ra, cũng nên gọi cấp cứu khi bất kì ai có các triệu chứng như trên.
Bác sĩ tham vấn thông tin:
✍ Các bác sĩ Tim Mạch Hello Doctor
3. Nguyên nhân gây ra bệnh nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm có thể là do:
- Sự phá hủy mô tim do tuổi
- Sự phá hủy mô tim do bệnh tim hoặc đau tim
- Khiếm khuyết tim bẩm sinh
- Viêm cơ tim
- Biến chứng của phẫu thuật tim
- Bệnh suy giáp
- Mất cân bằng các chất hóa học trong máu, như là kali hoặc canxi
- Ngưng thở khi ngủ
- Bệnh lý viêm, ví dụ như sốt thấp khớp hay lupus ban đỏ hệ thống
- Thuốc, kể cả các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp và bệnh tâm thần
Điện sinh lý ở tim
Tim có bốn buồng – 2 buồng trên là tâm nhĩ và 2 buồng dưới là tâm thất. Một nút phát nhịp tự nhiên (nút xoang), nằm ở nhĩ phải, bình thường kiểm soát nhịp tim bằng cách tạo các xung điện khởi phát cho mỗi nhịp tim.
Các xung điện này đi qua nhĩ, làm nhĩ co và bơm máu xuống thất. Sau đó những xung điện này đi đến nút nhĩ thất.
Nút nhĩ thất sẽ dẫn truyền tín hiệu đến bó His. Bó His tiếp tục truyền tín hiệu xuống nhánh trái cho thất trái, và xuống nhánh phải cho thất phải, việc này giúp 2 thất co và tống máu – thất phải bơm máu nghèo oxy lên phổi và thất trái bơm máu giàu oxy đi khắp cơ thể.
Nhịp tim chậm xảy ra khi các tín hiệu điện bị chậm hoặc bị chặn lại.
Các vấn đề ở nút xoang
Nhịp tim chậm do nút xoang. Một cơn nhịp tim chậm có thể xảy ra do nút xoang:
- Phóng xung điện chậm hơn bình thường
- Tạm ngừng hoặc không thể phóng xung điện ở nhịp bình thường
- Phóng xung điện bị chặn lại trước khi nó làm cho nhĩ co
Ở một vài người, những vấn đề ở nút xoang có thể gây ra nhịp tim luân phiên nhanh chậm (hội chứng nhịp tim nhanh – nhịp tim chậm).
Block nhĩ thất
Nhịp tim chậm cũng có thể do tín hiệu điện được truyền qua nhĩ không được truyền tới thất (block nhĩ thất). Block nhĩ thất được phân loại dựa trên mức độ tín hiệu từ nhĩ đến được thất:
- Block nhĩ thất độ 1: Ở dạng nhẹ nhất, tất cả tín hiệu từ nhĩ đều đến được thất nhưng các tín hiệu này bị chậm lại. Block nhĩ thất độ 1 hiếm khi gây ra triệu chứng và đa số không cần điều trị nếu không có bất thường khác về dẫn truyền tín hiệu điện.
- Block nhĩ thất độ 2: Không phải tất cả tín hiệu điện đều tới được thất. Một vài nhịp bị “rớt lại”, dẫn đến nhịp tim chậm và thỉnh thoảng là nhịp tim không đều.
- Block nhĩ thất độ 3 (block hoàn toàn): Không có tín hiệu điện nào từ nhĩ xuống được thất. Khi điều này xảy ra, một chủ nhịp tự nhiên khác sẽ giành quyền phát xung, nhưng việc đó tạo ra những xung điện chậm và không đáng tin cậy trong kiểm soát nhịp của thất.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh nhịp tim chậm
Tuổi
Một yếu tố nguy cơ then chốt với nhịp tim chậm là tuổi. Những vấn đề về tim liên quan tới nhịp chậm thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi.
Những yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim
Nhịp tim chậm thường có liên quan tới sự phá hủy mô tim do một vài loại bệnh tim.
Vì vậy, những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh tim cũng có thể làm tăng tần suất mắc nhịp tim chậm. Thay đổi lối sống hoặc điều trị y khoa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim liên quan đến các yếu tố sau đây:
- Tăng huyết áp
- Hút thuốc lá
- Lạm dụng rượu
- Sử dụng ma túy
- Stress tâm lý hoặc lo âu
4. Tác hại và biến chứng của bệnh nhịp tim chậm
Các biến chứng do nhịp chậm tim gây ra đó là:
- Những cơn ngất thường xuyên
- Suy tim
- Ngưng tim đột ngột hay đột tử
5. Các phương pháp điều trị bệnh nhịp tim chậm
Chẩn đoán
Đề chẩn đoán tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ xem lại các triệu chứng của bạn, tiền sử y khoa của bạn và gia đình và tiến hành thăm khám.
Bác sĩ cũng sẽ thực hiện các bài kiểm tra để đo nhịp tim, tạo một liên hệ giữa một nhịp tim chậm và triệu chứng của bạn, và xác định các tình trạng có thể gây ra nhịp tim chậm.
Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ là công cụ cơ bản để đánh giá nhịp tim chậm. Bằng việc sử dụng các điện cực gắn trên ngực và cánh tay của bạn, nó ghi lại những tín hiệu điện đi qua tim.
Chẩn đoán bệnh nhịp tim chậm bằng đo điện tâm đồ
Do điện tâm đồ không thể ghi lại nhịp tim chậm nếu nó không xảy ra trong lúc kiểm tra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng một thiết bị đo ECG lưu động tại nhà. Thiết bị này bao gồm:
- Máy holter theo dõi điện tâm đồ cầm tay: Được để trong túi hoặc mang ở thắt lưng hoặc dây đeo vai, thiết bị này ghi lại các hoạt động ở tim bạn từ 24 đến 48 giờ. Bác sĩ sẽ có khả năng yêu cầu bạn ghi nhật kí trong suốt 24 giờ mang máy. Bạn sẽ mô tả bất kì triệu chứng nào bạn trải qua và ghi lại thời gian chúng diễn ra.
- Máy ghi biến cố: Thiết bị này sẽ giám sát hoạt động của tim bạn trong vài tuần. Bạn kích hoạt nó bằng cách nhấn nút khi có triệu chứng, để máy ghi lại hoạt động ở tim bạn trong suốt thời gian đó.
Bác sĩ có thể sử dụng một màn hình ghi điện tâm đồ trong lúc thực hiện những kiểm tra khác để nhận định tác động của nhịp tim chậm. Những test kiểm tra này gồm có:
- Test Kiểm tra bàn nghiêng: Kiểm tra này giúp bác sĩ hiểu rõ hơn làm thế nào nhịp tim chậm góp phần gây các đợt ngất ở bạn. Bạn nằm thẳng trên một chiếc bàn đặc biệt, sau đó bàn được nghiêng giống như bạn đang đứng thẳng để xem có phải do thay đổi tư thể làm bạn ngất hay không.
- Test Kiểm tra gắng sức: Bác sĩ có thể theo dõi nhịp tim của bạn trong lúc bạn đang đi bộ trên thảm lăn hoặc đạp xe đạp cố định để xem nhịp tim của bạn có tăng một cách phù hợp với hoạt động thể chất không.
Xét nghiệm và các xét nghiệm khác
Bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm máu để kiểm tra những tình trạng khác có thể gây nhịp tim chậm, như là nhiễm trùng, suy giáp hay mất cân bằng điện giải.
Nếu ngưng thở khi ngủ bị là nguyên nhân gây nhịp tim chậm, bạn có thể trải qua test đánh giá giấc ngủ của bạn.
Điều trị
Điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào loại vấn đề về dẫn truyền tín hiệu điện, độ nặng của các triệu chứng và nguyên nhân gây nhịp tim chậm. Trong trường hợp nhịp chậm tim không gây ra triệu chứng, có rge53
Điều trị các rối loạn nền
Nếu một rối loạn như suy giáp hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ gây nhịp tim chậm, điều trị những rối loạn này có thể điều chỉnh nhịp chậm.
Thay đổi thuốc
Nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc điều trị bệnh tim, có thể gây nhịp tim chậm.
Bác sĩ có thể kiểm tra loại thuốc nào bạn đang dùng và có thể yêu cầu một sự thay thế. Thay đổi thuốc hoặc giảm liều có thể sửa chữa các vấn đề với nhịp tim chậm.
Khi các điều trị khác là bất khả thi và các triệu chứng cần được điều trị, đặt máy tạo nhịp là cần thiết.
Máy tạo nhịp
Điều trị bệnh nhịp tim chậm bằng máy tạo nhịp
Thiết bị vận hành bằng pin này có kích thước bằng cỡ một cái di động, được cấy vào dưới xương đòn của bạn. Dây điện từ thiết bị này được luồn qua tĩnh mạch đến tim bạn. Các điện cực tại tận cùng các dây điện được gắn vào mô tim. Máy tạo nhịp theo dõi nhịp tim của bạn và tổng hợp các xung điện khi cần thiết để duy trì một nhịp tim phù hợp.
Một máy tạo nhịp không dây đã được FDA thông qua. Hệ thống không cần kết nối này hứa hẹn cho những bệnh nhân chỉ cần tạo nhịp một buồng thất, nhưng nhiều nghiên cứu hơn vẫn cần được tiến hành.
Bệnh nhịp tim chậm nên được điều trị sớm để tránh những hậu quả nguy hiểm, vì vậy khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đi khám để đươc chuẩn đoán và điều trị sớm nhất. Bạn có thể liên hệ đặt khám với các bác sĩ của Hello Doctor qua số điện thoại 1900 1246 để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ.
Bác sĩ khám, điều trị
Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Thị Kim Ngân
Khoa: Tim mạch
Nơi làm việc: Bệnh viện Viện Tim Hồ Chí Minh
Kinh nghiệm: 18 năm
Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa
Bình luận, đặt câu hỏi