Tại sao xảy ra hiện tượng mất khứu giác
Xin chào bác sĩ, em là Chi (20 tuổi). Cho em hỏi đã gần 4 tháng nay tự dưng em bị mất khứu giác không ngửi thấy mùi vị của bất kì thứ gì. Xin bác sĩ cho biết lí do tại sao ạ?Em cảm ơn rất nhiều ạ!
Trả lời:
Chào bạn Chi, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho các bác sĩ. Mất khứu giác là một triệu chứng khá nhiều người mắc phải nhưng cũng cần chú ý vì có thể là dấu hiệu của các bệnh khác. Chúng tôi xin cung cấp đến bạn một số nguyên nhân và cách xử lý triệu chứng mất khứu giác như sau:
1. Định nghĩa
2. Nguyên nhân
3. Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày
===
Tham vấn thông tin, tư vấn và hẹn khám bệnh:
===
1. Mất khứu giác là tình trạng gì?
Khứu giác là một trong những bộ phận quan trọng của con người. Để ăn ngon, ngoài cảm nhận của vị giác, khứu giác còn có vai trò quan trọng kích thích tiêu hóa, giúp món ăn được ngon hơn.
Khi cảm nhận của mũi đột nhiên kém đi sẽ xuất hiện những xáo trộn về khứu giác, dẫn đến chứng suy khứu giác (mất chức năng ngửi mùi và giảm sút chức năng hoạt động của khứu giác).Mất khứu giác khiến con người không thể cảm nhận được mùi của hương hoa, đồ ăn, thức uống…
2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng mất khứu giác?
Cảm nhận về mùi có thể bị suy giảm do các yếu tố hằng ngày hay gặp, bao gồm:
- Hút thuốc - cụ thể là khoảng nửa tiếng sau khi hút một điếu thuốc.
- Dịch nhầy ở mũi - gây ra bởi nhiều loại bệnh tật như cảm lạnh, cảm cúm, sốt hay viêm xoang.
- Hiện tượng thích ứng - khi các tế bào khứu giác bị bão hòa với những phân tử mùi đặc trưng.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác nhau được cho rằng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận mùi bao gồm:
- Do hẹp hốc mũi bẩm sinh; Biến dạng vách ngăn;Chít hẹp hốc mũi do chấn thương; Do một số chấn thương ở não; Do sự tổn thương của thần kinh khứu giác ngoại biên hoặc trung ương.
- Chất hóa học - một loạt các chất hóa học công nghiệp bao gồm kim loại nặng, hợp chất vô cơ và hữu cơ, axit và các chất ô nhiễm.
- Các bệnh do hệ thống hormone - như tiểu đường, hội chứng Cushing và suy giáp.
- Các bệnh do hệ thống thần kinh chẳng hạn bệnh Alzheimer, đa xơ cứng, chứng đau nửa đầu, hội chứng Korsakoff, u não, tổn thương não và động kinh.
- Thuốc - chất kích thích, thuốc giảm đau, một số thuốc kháng sinh và các thuốc khác, bao gồm chất làm co mạch trong thuốc xịt mũi; và một số phương pháp trị liệu như liệu pháp tia X, liệu pháp hoá học, lọc máu.
- Các bệnh gây ngạt tắc vùng khứu giác khác như cúm, sổ mũi cấp tính, một số bệnh truyền nhiễm, hen phế quản, bệnh phong và xơ nang.
- Viêm mũi phì đại cấp tính hoặc mạn tính kèm theo polip, bịt tắc cửa mũi sau.
- Do sự lão hoá của cơ thể bắt đầu từ tuổi 80.
3. Những lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày để tránh mất khứu giác
Khi bị mất khứu giác, bạn nên có lưu ý một số điều dưới đây:
- Đeo khẩu trang bảo vệ tránh khói, bụi, không khí lạnh…mỗi khi ra đường.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 3 lần/tuần để làm sạch niêm mạc mũi và đường hô hấp.
- Chữa các bệnh về đường hô hấp: cảm, cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm xoang…một cách triệt để.
- Luyện tập khứu giác (ngửi mùi từ các loại hoa, đồ ăn…) để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường của khứu giác và điều trị bệnh khi còn ở giai đoạn mới phát triển…
4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Mất khứu giác do cảm lạnh, dị ứng hoặc nhiễm trùng xoang thường tự khỏi sau vài ngày. Nếu điều này không xảy ra, hãy đi khám bác sĩ để họ có thể loại trừ các tình huống nghiêm trọng hơn.
Mất khứu giác đôi khi có thể được điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc loại bỏ các tắc nghẽn trong đường mũi.
Trong các trường hợp khác, mất khứu giác có thể là vĩnh viễn. Đặc biệt sau 60 tuổi, bạn có nhiều nguy cơ mất khứu giác.
Nếu bạn Chi có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất. Nếu bạn cần hỗ trợ, liên hệ ngay với các bác sĩ của Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại 1900 1246.
Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.
Bình luận, đặt câu hỏi