Chia sẻ: Bệnh đau dây thần kinh tọa có di truyền không?
Chào Bác sĩ, năm nay tôi 30 tuổi, từng mắc đau thần kinh tọa 1 năm trước. Hiện tại, tôi đang có kế hoạch có em bé. Gia đình tôi có khá nhiều người bị mắc đau thần kinh tọa, mẹ tôi, bà tôi, anh chị tôi. Tôi khá lo lắng, không biết là đau thần kinh tọa này có phải di truyền không? Vì tôi thấy nhiều người lớn tuổi mới mắc còn tôi mắc lúc còn khá trẻ, lúc 29 tuổi. Mong Bác sĩ tư vấn cho tình trạng của tôi. Xin cám ơn!
Trả lời:
===
Tham vấn thông tin, tư vấn và hẹn khám bệnh:
===
Chào chị, rất cám ơn chị đã gửi câu hỏi về cho Hello Doctor. Tôi rất thông cảm với các băn khoăn của chị. Mong rằng các câu trả lời dưới đây có thể phần nào giúp chị hiểu rõ cũng như an tâm hơn về tình trạng của mình.
Độ tuổi nào thường mắc bệnh đau thần kinh tọa?
Theo các nghiên cứu về Dịch tễ học của Đau thần kinh tọa thực hiện bởi các Hiệp hội Thần kinh, Cơ xương khớp, độ tuổi đỉnh xuất hiện của đau thần kinh tọa là từ 40-65 tuổi.
Tuy nhiên, có thêm nhiều yếu tố nguy cơ khác như:
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Stress
- Hoạt động thể lực nặng: thường xuyên có các hoạt động như nâng , cong, khum người hay vặn xoắn.
- Lái xe
Người bệnh có càng nhiều yếu tố nguy cơ trên sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc đau thần kinh tọa. Điều này đồng nghĩa với viêc người bệnh có thể mắc bệnh ở tuổi trẻ hơn nhóm tuổi đỉnh.
Tại sao tôi bị đau thần kinh tọa?
Như các bài viết trước về Bệnh đau dây thần kinh tọa chúng tôi có giải thích, thần kinh tọa là dây thần kinh chi phối vận động vùng chi dưới. Từ các rễ thần kinh vùng thắt lưng - cùng - cụt, chúng hợp nhất lại thành dây thần kinh tọa tại vùng mông. Từ đó, dây thần kinh tọa đi dọc dài xuống 2 chân và tỏa ra thành nhiều nhánh chi phối các chức năng vận động và cảm giác của vùng chi dưới. Như vậy, bất kỳ các chèn ép nào xuất hiện trên đường đi gây chèn ép dây thần kinh tọa đều có thể gây đau.
Đối với người trẻ như chị, Đau thần kinh tọa thường có thể khởi phát do các hoạt động thể lực nặng gây như nâng, cúi người hay vặn. Vì vậy đau dây thần kinh ở nhóm người trẻ thường hầu hết nằm ở rễ thần kinh L4-5, hoặc bị chèn ép tại vùng mông.
Dấu hiệu đau thần kinh tọa thường gặp ở người trẻ tuổi
Biểu hiện của đau thần kinh tọa thường gặp ở người trẻ là:
- Đau bắt nguồn từ vùng thắt lưng hoặc mông, lan thẳng 1 đường đi từ mông- đùi- chân. Đường đi của cơn đau có thể nằm ở mặc sau chân, mặc bên chân, hoặc thậm chí là ban đầu là ở sau chân nhưng càng về dưới vùng bắp chân và mu chân nó có phần lệch qua mặc bên, hoặc mặt trước chân.
- Đau thường khởi phát ngay sau một hoạt động thể lực nặng quá sức, người bệnh có sai tư thế vận động.
- Đau có thể kèm cảm giác tê tê, kiến bò.
Thần kinh tọa có tính chất gia đình không?
Yếu tố gia đình không nằm trong yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, các yếu tố liên quan như béo phì, chế độ vận động thì có thể trong một gia đình các thành viên thường có nếp sống, sinh hoạt tương đối giống nhau.
Nếu gia đình chị có chế độ ăn uống khá thoải mái, anh chị em đều có thể trạng khá tròn và chế độ vận động tĩnh lại nhiều, công việc có nhiều áp lực thì việc mà nhiều người trong gia đình đều mắc phải đau thần kinh tọa là có thể hiểu được. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định lại là đau dây thần kinh tọa không có tính chất gia đình.
Thần kinh tọa có di truyền không?
Như đã khẳng định ở trên về việc Đau thần kinh tọa không có tính chất gia đình. Điều này đồng nghĩa rằng, thần đau thần kinh tọa không có tính chất di truyền. Do đó, chị có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề con chị sẽ không bị đau thần kinh tọa do mẹ đã mắc bệnh.
Vậy con bạn có nguy cơ mắc các bệnh lý về phát triển cơ xương không?
Việc lên kế hoạch mang thai cho phụ nữ từng có các bệnh lý đòi hỏi điều trị dài ngày như thần kinh tọa nói riêng và phụ nữ nói chung đều cần sự thận trọng và tham vấn ý kiến bác sĩ. Như trường hợp của chị tôi đề nghị chị một số điều như sau:
- Xác định khả năng tái phát bệnh khi mang thai
Đối với trường hợp đau thần kinh tọa của chị, tôi không biết chèn ép này là do nguyên nhân từ đĩa đệm hay từ xương hay từ các thoái hóa của xương. Do đó, chị nên đi tái khám các Bác sĩ Nội thần kinh hoặc Cơ xương khớp để họ xác định nguy cơ. Từ đó, Bác sĩ sẽ lên kế hoạch chi tiết hoặc chỉ định đi tập vật lý trị liệu trước để nâng sức cơ vùng cột sống thắt lưng.
- Khám tổng quát để loại trừ các bệnh lý gây nguy cơ thai kỳ
Việc xác định này rất quan trọng vì nó thể giảm các hệ lụy trên sức khỏe con chị. Khám tổng quát bao gồm các xét nghiệm máu xác định tình trạng thiếu máu, nhiễm Viêm gan B, rối loạn chức năng tuyến giáp. Nếu kỹ hơn chị có thể đề nghị Bác sĩ cho chỉ định Siêu âm tim hay siêu âm sản khoa để sớm phát hiện các bất thường chức năng tim hoặc bất thường về cấu trúc phần phụ tử cung.
- Ngưng các thuốc có nguy cơ gây dị dạng thai
Bất kỳ thuốc nào bạn đang dùng đều phải hỏi ý kiến Bác sĩ. Nếu bạn đang dùng bất kỳ thuốc gì cũng nên thận trọng tránh “dính bầu”, như các thuốc điều trị Đau thần kinh tọa cũng có khả năng gây dị tật thai nhi. Ngoài ra, một số loại thuốc có tính chất ảnh hưởng đến DNA hay diệt tế bào phải ngưng 3-6 tháng mới được có em bé
- Tập thể dục và chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một cơ thể khỏe mạnh về thể chất và tinh thần sẽ là bàn đạp vững chai giúp bạn dễ thụ thai và vượt qua tam cá nguyệt đầu đầy khó nhọc. Chị có thể tham khảo ngay Các bài tập chữa đau thần kinh tọa được chia sẻ bởi các bác sĩ Cơ xương khớp của chúng tôi.
Các bài tập thể dục nâng sức khỏe cơ lưng được khuyến cáo đi kèm các bài tập giúp giảm cân nếu bạn có tình trạng béo phì.
Tăng thêm khẩu phần rau, trái cây, sữa trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, kèm bổ sung thêm sắt, canxi và acid folic sẽ giúp tạo tiền đề vững chắc cho sức khỏe con bạn. Về vấn đề dinh dưỡng, để hiểu rõ hơn, bạn có thể xem tại Đau dây thần kinh tọa nên ăn gì và Đau dây thần kinh tọa nên kiêng gì.
Bác sĩ khám, điều trị
Khoa: Cơ xương khớp, Nội thần kinh, Ngoại thần kinh
Nơi làm việc: Phòng Quân y – Bộ Tư lệnh Pháo binh
Kinh nghiệm: 22 năm
Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa cấp 2
Bình luận, đặt câu hỏi