Bóc tách động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ là một căn bệnh hiếm gặp, hầu hết xảy ra ở nam giới 60, 70 tuổi. Triệu chứng của bóc tách động mạch chủ có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng của những bệnh khác, do đó gây trì hoãn trong điều trị khiến cho bệnh càng trở nên nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.
1. Bóc tách động mạch chủ là gì
2. Triệu chứng của bênh bóc tách động mạch chủ
3. Nguyên nhân gây ra bệnh bóc tách động mạch chủ
4. Biến chứng của bệnh bóc tách động mạch chủ
5. Điều trị bệnh bóc tách động mạch chủ
6. Phòng chống bệnh bóc tách động mạch chủ
1. Bệnh bóc tách động mạch chủ là gì?
Bóc tách động mạch chủ là tình trạng lớp nội mạc bên trong động mạch chủ bị xé toạc ra. Máu tràn qua những vị trí bị xé làm cho lớp nội mạc, trung mạc của động mạch bóc tách. Nếu máu chảy ra ngoài qua thành động mạch chủ, thì bóc tách động mạch chủ có nguy cơ gây tử vong cao. Nếu bóc tách động mạch chủ được tầm soát sớm và điều trị kịp thời, sẽ giúp cải thiện tỉ lệ sống sót rất lớn.
2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh bóc tách động mạch chủ
Triệu chứng bóc tách động mạch chủ tương tự với triệu chứng của những bệnh tim khác, như là triệu chứng đau tim. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình là:
- Đột ngột đau nặng ngực hoặc sau bả vai, miêu tả như cảm giác bị xé toạt, rách, bị cắt lan ra từ cổ xuống lưng.
- Bất tỉnh
- Khó thở
- Đột ngột khó nói, mất định hướng, yếu liệt hoặc liệt nửa người, tương tự triệu chứng của đột quỵ
- Bắt mạch tay thấy yếu so với tay còn lại
- Đau ngực nhẹ
- Đau dưới cổ hoặc hàm
- Sụp mi mắt, đồng tử co
- Ho ra máu
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bạn cần đến bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu:
- Đau nặng ngực
- Ngất xỉu
- Đột ngột khó thở
- Có các triệu chứng của đột quỵ
Những dấu hiệu, triệu chứng này không phải lúc nào cũng nghiêm trọng nhưng nên kiểm tra thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhanh chóng tầm soát và điều trị kịp thời giúp cứu sống bệnh nhân.
Bác sĩ tham vấn thông tin:
✍ Các bác sĩ Mạch Máu Hello Doctor
3. Nguyên nhân gây ra bệnh bóc tách động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ xảy ra ở những vị trí có kết cấu yếu, dễ tổn thương của thành động mạch.
Cao huyết áp mạn tính gây tăng áp lực cho thành động mạch, làm cho thành động mạch dễ bị xé toạc ra. Một số trường hợp sinh ra đã có động mạch chủ giãn rộng và cấu trúc yếu ớt như hội chứng Marfan, van động mạch chủ 2 mảnh hoặc một số tình trạng khác có kết cấu thành mạch máu yếu. Bóc tách động mạch chủ hiếm xảy ra khi gặp chấn thương ngực, như là tai nạn xe máy.
Người ta chia bóc tách động mạch chủ thành 02 nhóm, dựa theo vị trí động mạch chủ bị ảnh hưởng:
- Type A: thường nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, bóc tách xảy ra ở vị trí động mạch chủ trên, có thể lan xuống động mạch chủ bụng.
- Type B: bóc tách xảy ra ở vị trí động mạch chủ dưới, có thể lan xuống động mạch chủ bụng.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh bóc tách động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ có rất nhiếu yếu tố nguy cơ:
- Cao huyết áp không được kiểm soát
- Xơ vữa động mạch
- Thành động mạch yếu và có chỗ phình
- Van động mạch chủ 02 mảnh
- Hẹp eo động mạch chủ
Ngoài ra, một số bệnh do gen cũng gia tăng nguy cơ bóc tách động mạch chủ:
- Hội chứng Turner: cao huyết áp, các vấn đề liên quan đến tim và vô số tình trạng rối loạn ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Hội chứng Marfan: sự liên kết giữa các mô lỏng lẻo, thường gặp ở các bệnh nhân có tiền sử gia đình phình động mạch chủ và phình các hệ thống mạch máu khác.
- Rối loạn liên kết giữa các mô: thường gọi là Hội chứng Ehlers-Danlos, các mô rối loạn liên kết với nhau dễ bị hủy hoại và xé toạt ra, những chỗ tiếp giáp lỏng lẻo và hệ thống mạch máu yếu ớt. Hội chứng Loeys-Dietz: các động mạch ngoằn ngoèo, đặc biệt động mạch cổ.
- Một số tình trạng nhiễm trùng: có thể do viêm tế bào động mạch quá nhiều dẫn tới thâm nhiễm động mạch, bệnh giang mai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Ngoài ra, còn có một số nguy cơ tiềm tàng khác:
- Giới tính: nam nhiều hơn nữ
- Tuổi: khoảng 60, 70 tuổi
- Sử dụng chất kích thích: chất kích thích gia tăng nguy cơ bóc tách do làm tăng huyết áp.
- Mang thai: hiếm xảy ra, nhưng có thể xảy ra khi phụ nữ mang thai cơ địa sức khỏe yếu hay bệnh.
- Tập thể dục cường độ nặng: tập cường độ nặng gia tăng nguy cơ nguy cơ bóc tách vì làm tăng huyết áp trong lúc tập.
4. Biến chứng của bệnh bóc tách động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ có thể dẫn tới một số biến chứng:
- Tử vong do chảy máu cấp
- Suy cơ quan như suy thận, tổn hại đến đường ruột đe dọa tính mạng
- Đột quỵ
- Hở van động mạch chủ hoặc tràn dịch màng tim.
5. Điều trị bệnh bóc tách động mạch chủ
Chẩn đoán
Tầm soát bóc tách động mạch chủ cần phải có phương pháp vì triệu chứng tương tự một số bệnh khác. Bác sĩ nghi ngờ bóc tách động mạch chủ khi có các dấu hiệu, triệu chứng sau:
- Đột ngột đau ngực
- Động mạch chủ giãn rộng trên phim x-quang
- Huyết áp giữa 02 tay khác nhau
Ngoài các dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ, cần làm thêm một số kỹ thuật chiếu chụp:
- Siêu âm tim qua thực quản: dùng sóng âm tần số cao để chụp hình ảnh của tim. Đây là một kỹ thuật đặc biệt, bác sĩ dùng đầu dò siêu âm đi qua đường thực quản để thu được hình ảnh của tim. Đầu dò siêu âm sẽ tiếp cận gần tim và động mạch chủ, ghi lại được chính xác rõ ràng hình ảnh của tim hơn kỹ thuật siêu âm thường.
- Chụp vi tính cắt lớp (CT scan): CT scan phát ra tia X ghi lại hình ảnh cắt ngang của cơ thể. CT ngực dùng để chẩn đoán bóc tách động mạch chủ, đôi khi cần tiêm thuốc cản quang trong lúc chụp. Thuốc cản quang làm cho tim, động mạch chủ, hệ thống mạch máu rõ hơn trên hình ảnh CT.
- Chụp động mạch vành bằng cộng hưởng từ (MRA): kỹ thuật này dùng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) để thu hình ảnh của hệ thống mạch máu.
Điều trị
Bóc tách động mạch là một cấp cứu nội khoa đòi hỏi điều trị ngay lập tức. Phẫu thuật hay điều trị nội khoa tối ưu phụ thuộc vào vị trí bóc tách:
Bóc tách động mạch chủ Type A:
- Phẫu thuật: cắt bỏ đoạn động mạch chủ bị bóc tách là cần thiết, bịt lại những vị trí máu thoát mạch vào thành động mạch chủ và tái cấu trúc động mạch chủ bằng stent graft (khung đỡ cấy vào động mạch chủ). Nếu có hở van động mạch chủ, bác sĩ cũng sẽ sửa chửa hoặc thay thế van cùng lúc đó.
- Điều trị nội khoa: một số thuốc như chẹn Be-ta, Ni-tro-press giúp giảm nhịp tim và hạ huyết áp. Các thuốc này sẽ được chỉ định cho bệnh nhân type A để ổn định huyết áp trước phẫu thuật.
Bóc tách động mạch chủ Type B
- Phẫu thuật: quy trình tương tự như phẫu thuật bóc tách động mạch chủ Type A. Bác sĩ có thể đặt stent (giá đỡ), stent đóng vai trò như khung sườn mềm mại có thể đặt vào lòng động mạch chủ để điều trị các biến chứng do bóc tách động mạch chủ Type B gây ra.
- Điều trị nội khoa tối ưu: thuốc điều trị tương tự bóc tách động mạch chủ Type A, có thể sử dụng thuốc mà không phẫu thuật để điều trị bóc tách động mạch chủ Type B.
Sau đợt điều trị, bệnh nhân phải dùng thuốc hạ áp suốt đời. Thêm vào đó, bệnh nhân cần chụp CT và MRI định kỳ để theo dõi.
6. Phòng chống bệnh bóc tách động mạch chủ
Có một số cách phòng ngừa giúp giảm nguy cơ bóc tách động mạch chủ:
- Kiểm soát huyết áp: nếu bệnh nhân có huyết áp cao, nên đầu tư máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Cai thuốc: nếu hút thuốc, nên từng bước cai thuốc lá.
- Duy trì cân nặng lý tưởng: thực hiện chế độ ăn ít muối, nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và tập thể dục thường xuyên.
- Mang dây đeo chéo vai khi lái xe: giúp giảm nguy cơ tổn thương vùng ngực khi gặp chấn thương do tai nạn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: khai với bác sĩ nếu gia đình có tiền sử bóc tách động mạch chủ, rối loạn liên kết mô hoặc van động mạch chủ 02 mảnh. Nếu bệnh nhân có phình động mạch chủ, nên theo dõi thường xuyên và nếu cần thì phẫu thuật để sữa chữa chỗ phình.
Nếu bệnh nhân có gen bất thường làm gia tăng nguy cơ bóc tách động mạch chủ, bác sĩ sẽ khuyến cáo dùng thuốc, ngay cả khi huyết áp bình thường.
Ngay khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh tách động mạch chủ, bạn nên đi khám bác sĩ để sớm được chẩn đoán và có phương án điều trị. Liên hệ khám với bác sĩ Hello Doctor theo số điện thoại 1900 1246 nếu bạn cần giúp đõ.
Bác sĩ khám, điều trị
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bình
Khoa: Hô hấp, Mạch máu, Nội tiết, Ngoại lồng ngực
Nơi làm việc: Bệnh viện Chợ Rẫy
Kinh nghiệm: 32 năm
Vị trí: Trưởng khoa Ngoại Lồng Ngực - Mạch máu
Bình luận, đặt câu hỏi