Phình động mạch chủ bụng
Vì động mạch chủ là nguồn cung cấp máu chính cho cơ thể nên phình động mạch chủ bụng vỡ có thể gây ra chảy máu và đe dọa tính mạng của người bệnh.
1. Phình động mạch chủ bụng là gì
2. Triệu chứng của bệnh phình động mạch chủ bụng
3. Nguyên nhân gây ra bệnh phình động mạch chủ bụng
4. Biến chứng của bệnh phình động mạch chủ bụng
5. Điều trị bệnh phình động mạch chủ bụng
1. Bệnh phình động mạch chủ bụng là gì?
Động mạch chủ bụng là mạch máu chính cung cấp máu cho cơ thể, với thành dày cỡ khoảng như vòi nước, chạy từ tim vào giữa ngực và bụng của bạn. Phình động mạch có thể phát triển ở bất cứ đâu dọc theo động mạch chủ, nhưng khi chúng xuất hiện ở phần trên của động mạch chủ, ở ngực, chúng được gọi là phình động mạch chủ ngực. Phổ biến hơn là phình động mạch ở phần dưới của động mạch chủ và được gọi là phình động mạch chủ bụng (AAA). Phình động mạch chủ bụng (tên tiếng anh là Abdominal Aortic Aneurysm), là đoạn động mạch chủ phía dưới bị giãn rộng.
Bệnh phình động mạch chủ bụng là một dạng khá phổ biến của bệnh phình động mạch chủ. Tùy thuộc vào kích thước và tốc độ phình phát triển, điều trị có thể thay đổi từ thận trọng theo dõi đến phẫu thuật cấp cứu. Khi phát hiện bệnh nhân mắc phình động mạch chủ bụng, các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ để lên kế hoạch phẫu thuật nếu cần thiết. Phẫu thuật cấp cứu phình động mạch chủ bụng bị vỡ có thể có rủi ro rất cao.
>>>Để biết thông tin chi tiết và đầy đủ về bệnh phình động mạch chủ bụng, bạn có thể tham khảo tại Bệnh phình động mạch chủ bụng.
2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh phình động mạch chủ bụng
Phình động mạch chủ bụng thường phát triển chậm và thường không có triệu chứng, nên rất khó phát hiện bệnh. Một số phình mạch sẽ không bao giờ vỡ. Nhiều phình mạch khi mới bắt đầu rất nhỏ và sẽ giữ nguyên kích thước đó, trong khi đó nhiều đoạn phình lại giãn rộng theo thời gian. Tốc độ tiến triển của phình động mạch chủ có thể phát triển nhanh như thế nào rất khó dự đoán.
Khi phình động mạch chủ bụng tiến triển, một số người có thể nhận thấy:
- Ổ đập bất thường gần rốn
- Đau cảm giác sâu, liên tục ở bụng hoặc ở ngoài bụng
- Đau lưng
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào trong số này, chẳng hạn như đau lưng hoặc đau bụng đột ngột, dữ dội gọi cấp cứu ngay lập tức.
Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ
Những khuyến cáo dưới đây dành cho những người không có triệu chứng.
Vì nam giới và hút thuốc gia tăng đáng kể nguy cơ phình động mạch chủ bụng, nam giới tuổi từ 65 đến 75 có hút thuốc nên được tầm soát phình động mạch chủ bụng bằng siêu âm bụng. Nếu bạn là đàn ông từ 65 đến 75 tuổi và bạn chưa bao giờ hút thuốc, bác sĩ sẽ xem xét cần siêu âm bụng hay không, thường dựa trên các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tiền căn gia đình bị phình mạch. Những người có tiền căn gia đình bị phình mạch có thể siêu âm ở 60 tuổi.
Không có đủ bằng chứng để xác định xem phụ nữ từ 65 đến 75 tuổi có hút thuốc lá hay có tiền căn gia đình bị phình mạch chủ bụng thì ít mắc bệnh qua tầm soát. Hỏi bác sĩ nếu bạn cần phải siêu âm tầm soát dựa trên các yếu tố nguy cơ của bạn. Phụ nữ không bao giờ hút thuốc thường không cần phải được tầm soát bệnh.
Bác sĩ tham vấn thông tin:
✍ Các bác sĩ Mạch Máu Hello Doctor
3. Nguyên nhân gây ra bệnh phình động mạch chủ bụng
Hầu hết các phình động mạch chủ thường xảy ra ở đoạn động mạch chủ bụng. Mặc dù chưa biết chính xác nguyên nhân gây phình, một số yếu tố có thể đóng vai trò, bao gồm:
- Sử dụng thuốc lá: Hút thuốc lá và các dạng thuốc lá khác có vẻ như làm gia tăng nguy cơ phình động mạch chủ. Hút thuốc có thể gây tổn hại và làm suy yếu thành động mạch chủ.
- Xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch): Xơ vữa động mạch xảy ra khi chất béo và các chất khác tích tụ trong lớp lót lòng mạch máu. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ bị phình mạch. (Xem thêm thông tin về bệnh phình động mạch chủ bụng tại đây)
- Huyết áp cao: Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng vì nó có thể làm tổn thương và làm yếu thành động mạch chủ. (Xem thêm thông tin về bênh cao huyết áp tại đây)
- Bệnh mạch máu ở động mạch chủ: Phình động mạch chủ bụng có thể là do các bệnh gây viêm mạch máu.
- Nhiễm trùng động mạch chủ: Nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm khuẩn hoặc nấm, có thể hiếm khi gây phình động mạch chủ bụng.
- Chấn thương: Chấn thương, như bị tai nạn xe hơi, có thể gây phình động mạch chủ bụng.
- Di truyền: Trong một số trường hợp, phình động mạch chủ bụng có thể do di truyền.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh phình động mạch chủ bụng
Các yếu tố nguy cơ phình động mạch chủ bụng bao gồm:
- Tuổi tác: Phình động mạch chủ bụng thường xảy ra ở người từ 65 tuổi trở lên.
- Sử dụng thuốc lá: Sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ mạnh mẽ cho sự phát triển của phình và vỡ động mạch chủ bụng. Bạn đã hút thuốc hoặc nhai thuốc càng lâu và lượng thuốc lá bạn hút mỗi ngày càng nhiều, nguy cơ càng cao.
- Nam giới: Nam giới phát triển phình động mạch chủ bụng nhiều hơn so với nữ.
- Người da trắng: Những người da trắng có nguy cơ cao bị phình động mạch chủ bụng.
- Tiền căn gia đình: Những người có tiền căn gia đình bị phình động mạch chủ bụng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Phình động mạch khác: Những người có phình ở mạch máu lớn khác, chẳng hạn như động mạch khoeo hoặc động mạch chủ ngực, có thể có nguy cơ cao phát triển phình động mạch chủ bụng.
4. Biến chứng của bệnh phình động mạch chủ bụng
Xé rách một hoặc nhiều lớp của thành mạch động mạch chủ (bóc tách động mạch chủ) hoặc vỡ là những biến chứng chính của phình động mạch chủ bụng. Phình động mạch chủ vỡ có thể dẫn đến chảy máu nội tạng đe doạ đến tính mạng. Nói chung, phình động mạch càng lớn và tốc độ phát triển càng nhanh thì nguy cơ vỡ càng cao.
Dấu hiệu và triệu chứng phình mạch động mạch chủ vỡ ra có thể bao gồm:
- Đau bụng hoặc đau lưng đột ngột, dữ dội và dai dẳng, có thể được mô tả như là cảm giác xé rách
- Đau lan ra sau lưng hoặc xuống chân
- Đổ nhiều mồ hôi
- Ớn lạnh
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Nôn
- Huyết áp thấp
- Nhịp nhanh
Một biến chứng khác của phình động mạch chủ là nguy cơ huyết khối. Các cục máu đông nhỏ có thể phát triển trong vùng phình mạch. Nếu huyết khối tách ra khỏi nội thành vùng phình và gây tắc mạch các mạch máu khác trong cơ thể, nó có thể gây đau hoặc làm tắc nghẽn dòng máu đến chân, ngón chân, thận hoặc các cơ quan ổ bụng.
5. Điều trị bệnh phình động mạch chủ bụng
Chẩn đoán
Phình động mạch chủ bụng thường được phát hiện qua xét nghiệm vì lý do khác. Ví dụ, trong một cuộc thăm khám định kỳ, bác sĩ có thể cảm thấy có một ổ đập trong bụng, mặc dù bác sĩ có thể sẽ không nghe thấy dấu hiệu của phình mạch qua ống nghe. Phình động mạch chủ cũng thường gặp trong các xét nghiệm thường quy, chẳng hạn như chụp X-quang ngực hoặc siêu âm tim hoặc bụng, đôi khi được chỉ định vì lý do khác.
Để chẩn đoán chứng phình động mạch chủ bụng, bác sĩ sẽ xem xét lại tiền sử của bản thân và gia đình và tiến hành thăm khám. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có phình mạch động mạch chủ, các xét nghiệm đặc hiệu có thể giúp xác định. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Siêu âm bụng: Xét nghiệm này thường được sử dụng để chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. Trong quá trình tiến hành thủ thuật, không gây đau này, bạn nằm ngửa trên một bàn khám và được xoa một ít gel ấm vào vùng bụng. Gel giúp loại bỏ sự hình thành túi khí giữa cơ thể và đầu dò, dụng cụ kỹ thuật viên sử dụng để khảo sát động mạch chủ.
Kỹ thuật viên ép đầu dò vào da bụng, di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác. Đầu dò sẽ gửi hình ảnh tới màn hình máy tính mà kỹ thuật viên giám sát để kiểm tra khả năng phình động mạch.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm không đau này có thể cung cấp cho bác sĩ những hình ảnh rõ ràng về động mạch chủ, và có thể đánh giá kích thước và hình dạng của phình mạch.
Trong quá trình chụp CT, bạn nằm trên một cái bàn bên trong một chiếc máy hình bánh donut. Máy CT phát ra các tia X để tạo ra hình ảnh cắt lớp của cơ thể. Các bác sĩ có thể tiêm thuốc nhuộm vào mạch máu giúp cho động mạch của bạn được hiển thị trên hình ảnh CT (chụp cắt lớp mạch máu).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI là một xét nghiệm hình ảnh không gây đau, có thể được sử dụng để chẩn đoán phình mạch và xác định kích thước và vị trí của nó.
Trong xét nghiệm này, bạn sẽ nằm trên một bàn di động, trượt vào một máy hình ống. MRI sử dụng từ trường và năng lượng sóng vô tuyến điện để tạo ra hình ảnh của cơ thể. Các bác sĩ có thể tiêm thuốc nhuộm vào các mạch máu của bạn để giúp mạch máu hiển thị trên hình ảnh (chụp cộng hưởng từ mạch máu).
Thường xuyên tầm soát cho những người có nguy cơ phình động mạch chủ bụng
Cơ quan y tế dự phòng của Hoa Kỳ khuyến cáo rằng đàn ông từ 65 đến 75 tuổi đã hút thuốc nên được tầm soát một lần bằng siêu âm về phình động mạch chủ bụng. Nam giới từ 60 tuổi trở lên có tiền căn gia đình có phình động mạch chủ bụng cần phải tầm soát thường xuyên.
Không có đủ bằng chứng để xác định phụ nữ từ 65 đến 75 tuổi có hút thuốc lá hay có tiền sử gia đình bị phình mạch chủ bụng ít mắc phình động mạch chủ bụng qua tầm soát hay không. Vì thế hãy hỏi bác sĩ nếu bạn cần phải siêu âm tầm soát dựa trên các yếu tố nguy cơ của bạn. Phụ nữ không bao giờ hút thuốc thường không cần phải được tầm soát bệnh.
Điều trị
Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa phình mạch không bị vỡ. Nói chung, các phương pháp điều trị của bạn là theo dõi hoặc phẫu thuật. Quyết định điều trị của bác sĩ phụ thuộc vào kích thước của phình động mạch chủ và tốc độ phát triển của nó.
Theo dõi
Nếu phình động mạch chủ ngực của bạn nhỏ, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi, bao gồm hẹn tái khám thường xuyên để đảm bảo phình mạch của bạn không phát triển và kiểm soát các bệnh khác, có thể khiến phình mạch của bạn tồi tệ hơn. Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào bạn có, liên quan đến phình mạch.
Có thể bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm hình ảnh thường xuyên để kiểm tra kích thước của phình mạch. Siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) ít nhất sáu tháng sau khi chẩn đoán phình mạch và làm các xét nghiệm theo dõi và chẩn đoán hình ảnh thường xuyên sau khi chẩn đoán hình ảnh ban đầu. Tần số xét nghiệm hình ảnh phụ thuộc vào việc liệu phình động mạch có đang phát triển hay không và tốc độ phát triển nhanh như thế nào.
Phẫu thuật
Nếu bạn mắc phình động mạch chủ bụng, phẫu thuật sẽ được đề nghị nếu phình động mạch của bạn khoảng 1,9 đến 2,2 inch (khoảng 5 đến 5,5 cm) hoặc lớn hơn. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật nếu phình phát triển nhanh. Ngoài ra, còn đề nghị điều trị nếu bạn đang gặp các triệu chứng như đau dạ dày hoặc bạn có phình mạch bị rò rỉ, đau hoặc ấn đau.
Các lựa chọn phẫu thuật có thể bao gồm:
Phẫu thuật bụng hở: Phẫu thuật bụng hở để sửa chữa phình động mạch chủ bụng bao gồm cắt bỏ đoạn động mạch chủ bị tổn thương và thay thế một ống tổng hợp (mảnh ghép), được khâu vào vị trí phình.
Thủ thuật này đòi hỏi phẫu thuật bụng hở, và thông thường bạn sẽ mất hơn một tháng để hồi phục hoàn toàn.
Phẫu thuật nội mạch: Phẫu thuật nội mạch là một phương pháp ít xâm lấn ngày nay được sử dụng ngày càng nhiều để sửa chữa phình mạch. Các bác sĩ gắn một ghép tổng hợp vào đầu ống thông mỏng (ống thông) đưa vào động mạch ở chân và luồn vào trong động mạch chủ của bạn.
Mảnh ghép - một ống đan được bao phủ bởi lưới kim loại nâng đỡ - được đặt ở vị trí phình mạch. Mảnh ghép được đính chặt vào chỗ phình với lưới kim loại bằng kim móc hoặc ghim nhỏ. Mảnh ghép giúp củng cố nâng đỡ đoạn động mạch chủ bị suy yếu để ngăn ngừa vỡ phình mạch.
Thời gian hồi phục thường ngắn hơn nhiều so với phẫu thuật bụng hở, nhưng phẫu thuật nội mạch không thể được thực hiện với khoảng 30% những người bị phình mạch. Thảo luận với bác sĩ của bạn cho dù bạn được chỉ định cho thủ thuật này. Sau khi phẫu thuật nội mạch, bạn cần phải làm xét nghiệm hình ảnh theo dõi thường xuyên để đảm bảo mảnh ghép không bị rò rỉ. Tỷ lệ sống sót dài hạn tương tự như phẫu thuật mổ hở.
Các phương pháp điều trị phình mạch của bạn sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vị trí và kích thước của phình mạch, tuổi tác, và các điều kiện khác hiện có có thể làm tăng nguy cơ phẫu thuật hoặc sửa chữa nội mạc. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn cách điều trị thích hợp nhất. Vui lòng liên hệ khám ngay với bác sĩ chuyên khoa Hello Doctor theo số điện thoại 1900 1246 ngay khi thấy có các dấu hiệu của bệnh phình động mạch chủ bụng.
Bác sĩ khám, điều trị
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bình
Khoa: Hô hấp, Mạch máu, Nội tiết, Ngoại lồng ngực
Nơi làm việc: Bệnh viện Chợ Rẫy
Kinh nghiệm: 32 năm
Vị trí: Trưởng khoa Ngoại Lồng Ngực - Mạch máu
Bình luận, đặt câu hỏi