Đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì, cách chữa trị
Chào bác sĩ, tôi tên là Sỹ, năm nay 34 tuổi. Thời gian gần đây tôi thường cảm thấy đau chỗ gan bàn chân, việc đi lại cũng khó khăn do cứ đi là tôi thấy đau. Tôi không biết mình đang mắc phải bệnh gì, mong bác sĩ giải đáp giúp tôi và cho tôi lời khuyên về cách điều trị và phòng chống. Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Chào bạn Sỹ, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Qua những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi thấy rằng bạn đang có triệu chứng đau gan bàn chân. Để khắc phục được tình trạng đau gan bàn chân, bạn cần tìm ra nguyên nhân khiến gan bàn chân bị đau. Một số những thông tin dưới đây có thể sẽ giúp ích được cho bạn:
2. Các triệu chứng có thể đi kèm đau gan bàn chân
3. Nguyên nhân gây ra đau gan bàn chân
5. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Lưu ý quan trọng: Bài viết này nhằm cung cấp kiến thức mang tính chất tham khảo. Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng hoặc những vấn đề còn mơ hồ, để hiểu rõ cụ thể trường hợp của bạn/ người thân, Hello Doctor hỗ trợ qua điện thoại hoặc nhắn tin trên facebook. Hello Doctor sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho từng trường hợp một cách cụ thể.
Bác sĩ tham vấn thông tin:
✍ Các bác sĩ Cơ Xương Khớp Hello Doctor
1. Đau gan bàn chân là gì?
Đau gan bàn chân là tình trạng người bệnh cảm thấy xuất hiện các cơn đau dưới lòng bàn chân. Các cơn đau này âm ỉ nhức nhối có thể chỉ lúc vận động hoặc cả khi vận động lẫn lúc nghỉ ngơi. Tình trạng này có thể do các bệnh khác nhau gây ra, chủ yếu thường là do các bệnh về cơ xương khớp và thần kinh.
Nguyên nhân do bàn chân là nơi chịu tác động của toàn bộ sức nặng của cơ thể suốt cả đời để duy trì tư thế thăng bằng, đi, đứng, chạy nhảy. Bàn chân được cấu tạo tinh vi bởi 26 xương và dây chằng tạo nên một cấu trúc chịu lực và giảm chấn cho toàn cơ thể. Đau ở các nơi khác nhau trên bàn chân có thể ảnh hưởng tới gan bàn chân.
2. Các triệu chứng có thể đi kèm đau gan bàn chân
Tùy theo bệnh, bạn có thể có thêm các triệu chứng đặc trưng của bệnh đó bên cạnh cảm giác đau nhức vùng gan chân:
Viêm cân gan chân: thường gây nên các cơn đau ổn định vùng gan chân cả trong lúc nghỉ ngơi, đau nhiều hơn lúc mới ngủ dậy và giảm bớt sau đi lại. Đây là bệnh lý thường gặp nhất gây đau gan bàn chân.
Bệnh gút: viêm đỏ sưng các khớp, sưng đỏ đâu lòng bàn chân có thể kèm sưng đau các khớp khác ở tay hay chân.
Đau thần kinh tọa: thường có cơn đau vùng thắt lưng chạy dọc xuống tới lòng bàn chân.
Hội chứng ống cổ chân: cảm giác đau, nặng nề ở gan bàn chân, có thể là cảm giác nóng bỏng, bó chặt, có thể tê bì. Bệnh hay gặp ở người thừa cân béo phì.
Suy tĩnh mạch chân: ngoài đau ở lòng bàn chân còn đau dọc cẳng chân; kèm theo các tĩnh mạch giãn có thể nhìn thấy được.
Các tổn thương lòng bàn chân khi đi chân trần vùng đá sỏi, mang giày đế không phù hợp hay tập luyện quá nhiều sẽ gây các vết phồng rộp, đồng thời gây cảm giác đau thốn vùng gan chân.
3. Nguyên nhân gây ra đau gan bàn chân
Nguyên nhân gây Đau gan bàn chân về cơ bản được chia làm 2 nhóm:
Các nguyên nhân bên trong: các căn bệnh về cơ xương khớp - thần kinh thường gặp như gút, suy tĩnh mạch chi dưới, viêm cân gan chân, gai gót hay bệnh thần kinh tọa. Các bệnh này có thể tại gan bàn chân hay ở nơi khác, nhưng nhìn chung đều làm xuất hiện cơn đau ở gan bàn chân, tùy thuộc các cá thể và tình trạng bệnh lý mà mức độ đau khác nhau. Để xác định nguyên nhân chính xác cần đến khám để được tư vấn và điều trị cụ thể.
Các nguyên nhân bên ngoài: do chấn thương, va chạm trong quá trình đi lại, tập luyện hoặc bệnh lý nhiễm trùng bàn chân. Việc mang giầy dép có đế không đạt tiêu chuẩn, đi chân trần hay tập luyện dùng lòng bàn chân quá nhiều có thể để lại các thương tổn như phỏng rộp, trầy, chấn thương tại vùng gan chân và gây đau.
4. Biện pháp tự chăm sóc
Để tránh xuất hiện các cơn đau ở gan bàn chân, một số cách sau đây có thể giúp bạn:
Duy trì cân nặng tối ưu: nên giảm cân nếu bạn đang thừa cân béo phì để giảm thiểu áp lực đè nặng lên bàn chân của bạn.
Chọn giầy đúng cách: không nên mang giầy gót cao thường xuyên, có đế vòm hấp thu được chấn lực và sốc, không nên mang giầy dép đã mòn đế, không đi chân trần, đặc biệt trên các bề mặt cứng hay gồ ghề.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: nên ăn đa dạng tất cả các loại thức ăn nhất là các loại rau củ trái cây. Không nên sử dụng nhiều thịt, hải sản hay bia rượu nếu bạn đã từng xuất hiện cơn gút trước đó.
Chế độ thể thao hợp lý: tập vừa sức đối với từng độ tuổi và kiểu người. chọn môn thể thao phù hợp nhất với mình và tập luyện thường xuyên.
Nếu xuất hiện cơn đau: bạn có thể dùng nước đá chườm vào gan chân đang đau sưng, giữ trong 15-20 phút, từ 3-4 lần mỗi ngày; nếu không giảm đau hãy đến bác sĩ bạn nhé.
5. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Đau là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi các bộ phận cơ xương khớp hay thần kinh bị tổn thương. Giới hạn của cơn đau có thể không dừng lại ở gan bàn chân mà có thể xuất hiện ở các phần khác của bàn chân như gót chân, mu chân, mắt cá chân hoặc các khu vực khác của cơ thể. Các cơn đau xuất hiện nhiều nhất khi bệnh nhân đi lại, thậm chí có thể làm cho họ rất khó khăn để di chuyển.
Bất cứ khi nào nếu có cơn đau xuất hiện ở gan bàn chân của bạn, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tìm nguyên nhân cụ thể. Bác sĩ sẽ khám và tư vấn cho bạn về cách điều trị và chăm sóc để chấm dứt cơn đau.
Bạn Sỹ nên áp dụng thử một số phương pháp tự chăm sóc mà chúng tôi đưa ra. Nếu như sau đó mà triệu chứng đau gan bàn chân vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và điều trị. Nếu bạn cần được hỗ trợ điều trị thì bạn có thể liên hệ với Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại 1900 1246, các bác sĩ của chúng tôi rất sẵn lòng được giúp đỡ cho bạn.
Cảm ơn bạn đã quan tâm!
Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.
Bình luận, đặt câu hỏi