U não ở trẻ em

U não ở trẻ em

U não là loại u có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em cũng như ở thanh thiếu niên. Việc điều trị u não ở trẻ em cũng có nhiều sự khác biệt so với điều trị u não ở người lớn.

1. Bệnh u não ở trẻ em là gì?

2. Triệu chứng của bệnh u não ở trẻ em

3. Nguyên nhân gây ra bệnh u não ở trẻ em

4. Biến chứng của bệnh u não ở trẻ em

5. Điều trị bệnh u não ở trẻ em

6. Bác sĩ điều trị

1. Bệnh u não ở trẻ em là gì?

U não ở trẻ em hình thành từ các tế bào phát triển bất thường ở trong bộ não hoặc tại các cấu trúc, các mô lân cận. U não được phân chia thành nhiều loại; trong đó, một số lành tính, còn một số thì ác tính, thậm chí đe dọa tính mạng.

Việc điều trị và tiên lượng phụ thuộc vào loại u não, vị trí u, di căn, tuổi của trẻ và tình trạng sức khỏe tổng quát. Vì các phương pháp điều trị cũng như các kĩ thuật hỗ trợ đang phát triển, nên có rất nhiều lựa chọn khác nhau tùy theo giai đoạn u. Do vị trí đặc biệt của u, việc điều trị một số loại u não ở trẻ em sẽ gây suy giảm trí tuệ và chức năng thần kinh trong thời gian dài.

Điều trị u não ở trẻ em khác hẳn điều trị u não ở người lớn. Vì vậy, việc tham khảo ý kiến Chuyên Khoa cũng như các Bác sĩ Nhi khoa là vô cùng quan trọng.

Cấu trúc não bộ

Bộ não là một phần trong hệ thần kinh trung ương, bao gồm các bộ phận sau:

- Đại não: phần ngoài cùng và nằm phía trước bộ não, được chia làm hai phần: bán cầu đại não trái và bán cầu đại não phải. Nó điều khiển suy nghĩ, cảm xúc, vận động, ngôn ngữ. Ngoài ra, đại não còn giúp chúng ta hiểu được các thông tin được tiếp nhận từ các giác quan như: thị giác (mắt), thính giác (tai), khứu giác (mũi), xúc giác (da) cũng như cảm giác đau.

- Tiểu não: nằm phía sau của bộ não. Nó điều khiền hoạt động các cơ, giúp thăng bằng cơ thể, duy trì tư thế.

- Cuống não: nằm trên trục cơ bản của bộ não. Nó bao gồm: trung não, cầu não và hành não. Cuống não đóng vai trò quan trọng trong điều khiển cơ và cảm giác. Ngoài ra, nó còn điều khiền nhịp thở và nhịp tim. Nhiều dây thần kinh sọ não bắt nguồn từ cuống não, chúng có chức năng vận chuyển thông tin từ các phần khác trên cơ thể về não.

Cấu trúc não bộ

Phân loại u não

U não bắt nguồn từ các tế bào trong bộ não. Chúng được phân thành hai thể:

- Lành tính: loại u này không chứa các tế bào ung thư. Trong hầu hết các trường hợp, một khi khối u được cắt bỏ thì chúng sẽ không tái phát. Đa số các khối u lành tính không xâm lấn các mô lân cận. Triệu chứng của loại u này phụ thuộc vào kích thước, vị trí u.

- Ác tính: loại u này chứa các tế bào ung thư. Chúng thường phát triền rất nhanh, xâm lấn các mô lân cận. Các u não ác tính thường không di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài ra, nó dễ tái phát sau điều trị.

U não có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi nào. U não xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em rất khác biệt so với u não ở người lớn.

Trong các dạng u não, u thần kinh đệm là thường gặp nhất. Nó xuất phát từ các tế bào thần kinh đệm trong bộ não. Tế bào thần kinh đệm có chức năng nâng đỡ các tế bào thần kinh. Có nhiều loại khác nhau của loại u này bao gồm:

- U não tế bào hình sao: đây là dạng hình thành từ các tế bào hình sao (một dạng của tế bào thần kinh đệm); chúng thường xuất hiện ở trẻ em và đa số xảy ra ở tiểu não.

- U thần kinh đệm cuống não: dạng này được tìm thấy ở cuống não; đa số không thể loại bỏ bẳng phẫu thuật.

- U thần kinh đệm ít nhánh: dạng u này phát triển trong các tế bào có công dụng gắn kết các tế bào mỡ vào dây thần kinh. Dạng này thường phát triển chậm nhưng thường phát triển vào mô não. Vì vậy rất khó loại bỏ u bằng phương pháp phẫu thuật.

- U màng não thất: chúng thường phát triển trên bề mặt các khoang não thất hoặc tủy sống. Đối với trẻ em, đa số chúng ở gần tiểu não. U màng não thất thường gây tắc nghẽn dịch não tủy (dịch được chứa trong các khoang não thất, bao quanh não và tủy sống), dễ gây tăng áp lực nội sọ.

- U thần kinh đệm thị giác: dạng u này được tìm thấy quanh dây thần kinh thị (thần kinh thị có chức năng dẫn truyền thông tin từ mắt về não). Chúng thường gây ảnh hưởng thị lực; ngoài ra còn tác động lên hóc-môn một khi chúng nằm gần trục não bộ, nơi điều khiển hóc-môn.

Ngoài u thần kinh đệm, các loại u não khác bao gồm:

- U ngoại bì thần kinh nguyên thủy (PNET): thường gặp hơn ở trẻ em. Loại u này có thể phát triển bất kì đâu trong bộ não từ các tế bào thần kinh nguyên thủy. Một dạng của u này là u nguyên bào tủy. Dạng này xuất phát từ tiểu não, có xu hướng phát triển và lan đi nhanh, nhưng việc điều trị loại u này thường mang lại hiệu quả.

- U sọ hầu: thường xuất phát gần tuyến yên, phát triển chậm. Một khi u đè lên tuyến yên hoặc các dây thần kinh gần đó, chúng sẽ gây triệu chứng. U sọ hầu thường lành tính.

- U thần kinh và thần kinh đệm phối hợp: chúng xuất phát từ các tế bào thần kinh và các tế bào thần kinh đệm.

- U bao sợi thần kinh: loại u này xuất phát từ phần myelin bao quanh các dây thần kinh. Thường xảy ra ở phần tai trong, nơi giúp giữ thăng bằng cơ thể; khi đó, u này còn được gọi u thần kinh tiền đình ốc tai và loại u này thường lành tính.

2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh u não ở trẻ em

Triệu chứng phụ thuộc vào vị trí, kích thước u và có thể khác nhau ở mỗi trẻ. U não đang phát triển có thể gây tăng áp lực trong não tại các khoang não thất hay còn gọi là tăng áp lực nội sọ. Trường hợp này ít gặp ở những trẻ với khớp sọ chưa đóng. Các triệu chứng do tăng áp lực nội sọ bao gồm:

  • Nhức đầu.
  • Phồng não, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
  • Nôn ói.
  • Thay đổi tính tình.
  • Dễ kích động.
  • Ngủ gà.
  • Co giật.
  • Hôn mê.

Triệu chứng của u não tại đại não:

  • Co giật.
  • Thay đổi thị lực và khả năng nghe.
  • Khó khăn trong việc đi lại.
  • Yếu cơ hoặc liệt.
  • Thay đổi khí sắc, ví dụ như trầm cảm.

Triệu chứng của u não tại tiểu não:

  • Khó nuốt.
  • Khó vận động mắt.
  • Nói chuyện khó khăn.
  • Cử động tay, chân một cách vụng về.
  • Khó khăn trong đi đứng.

Triệu chứng của u não tại cuống não:

  • Yếu người.
  • Khó khăn trong đi lại.
  • Cứng cơ.
  • Khó khăn trong cử động mắt và các cơ mặt.
  • Nhìn đôi.
  • Giảm thính giác

Triệu chứng của u não có thể giống với triệu chứng của các bệnh khác. Vì vậy hãy đến khám Bác sĩ ngay để được chẩn đoán đúng và kịp thời.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Hãy gọi ngay cho Cơ sở Y Tế gần nhất hoặc đưa trẻ đi khám ngay nếu gặp các trường hợp sau:

  • Triệu chứng nặng hơn.
  • Xuất hiện thêm các triệu chứng mới.
  • Dấu hiệu tác dụng phụ trong quá trình điều trị. 

Lưu ý quan trọng: Bài viết này nhằm cung cấp kiến thức mang tính chất tham khảo. Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng để hiểu rõ cụ thể trường hợp của bạn/ người thân, Hello Doctor hỗ trợ qua điện thoại theo số 1900 1246 hoặc nhắn tin trên facebook

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Bác sĩ Ngoại Thần Kinh Bệnh viện chợ Rẫy

☎ Gọi Tư vấn Bác sĩ: 19001246

3. Nguyên nhân gây ra bệnh u não ở trẻ em

Thông thường, nguyên nhân dẫn đến não là bất thường gen hoặc bất thường nhiễm sắc thể. Còn  lý do khiến gen và nhiễm sắc thể bị bất thường hiện vẫn chưa rõ. Một số chất hoá học cũng đóng vai trò trong sự thay đổi gen. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn đang nghiên cứu.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh u não ở trẻ em

Những trẻ với những bất thường di truyền nhất định có nguy cơ cao bị u thần kinh trung ương. Những trẻ đã trải qua xạ trị trong ung thư khác ở đầu cũng có nguy cơ cao bị u não. Các bất thường di truyền có thể kể đến như:

- U sợi thần kinh: đây là rối loạn di truyền gây u trên các mô thần kinh. Nó có thể phát triển bất cứ nơi nào trên hệ thần kinh, bao gồm não, tủy sống và dây thần kinh. Thường u sợi thần kinh được chẩn đoán ở trẻ em hoặc giai đoạn sớm của thanh thiếu niên. Đa số u này lành tính, tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng cũng trở thành ác tính. Triệu chứng thường nhẹ. Biến chứng bao gồm: giảm thính giác, suy giảm khả năng học hỏi, vấn đề tim mạch, giảm thị giác và gây những cơn đau khũng khiếp. Việc điều trị nhằm đảm bảo sự phát triển cơ thể, giảm biến chứng. Phẫu thuật giúp giảm triệu chứng đối với trường hợp u lớn. Một số trường hợp, xạ trị hay hóa trị giúp kiểm soát cơn đau.

- Bệnh Von-Hippel-Lindau: đây là một dạng rối loạn di truyền, hình thành các u, nang trong cơ thể. U có thể lành tính hoặc ác tính. Chúng có thể xuất phát từ não, tủy sống, thận, tụy và hệ sinh dục (ở nam). Triệu chứng bệnh rất đa dạng phụ thuộc kích thước, vị trí u: nhức dấu, gặp vấn đề trong thăng bằng, đi lại, thị giác, yếu tay chân và cao huyết áp. Việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng. Điều trị bao gồm phẫu thuật hay xạ trị.

- Hội chứng Li-Fraumeni: đây là dạng rối loạn làm tăng nguy cơ mắc các ung thư khác, đặc biệt là ở trẻ em và người trẻ. Các loại ung thư thường liên quan đến hội chứng này là: ung thư vú, ung thư mô liên kết ở xương, ung thư mô mềm, u não, bệnh bạch cầu, u tuyến thượng thận,…

- U nguyên bào võng mạc: đây là dạng u bắt nguồn từ lớp võng mạc ở mắt. U thường xảy ra ở trẻ em. Đây là dạng u hiếm gặp ở mắt và có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt.

4. Biến chứng và tác hại của bệnh u não ở trẻ em

Trong quá trình bệnh cũng như trong quá trình điều trị, một số biến chừng trẻ có thể trải qua như sau:

  • Tổn thương não hoặc hệ thần kinh trung ương: dẫn đến: rối loạn phối hợp hoạt động, yếu cơ, giảm khả năng ngôn ngữ, giảm khả năng nhìn. 
  • Các vấn đề sau phẫu thuật như: nhiễm trùng, chảy máu, tác dụng phụ thuốc gây mê. 
  • Nhiễm trùng, chảy máu sau hóa trị. 
  • Giảm phát triển ở trẻ em. 
  • Ảnh hưởng khả năng học hỏi. 
  • Vô sinh. 
  • Ung thư tái phát. 
  • Phát triển các ung thư khác. 

5. Các phương pháp điều trị bệnh u não ở trẻ em

Chẩn đoán

Bé sẽ được đánh giá ban đầu bởi Bác sĩ Nhi hay Bác sĩ Nhi chuyên khoa Thần Kinh hoặc tại phòng cấp cứu để tìm nguyên nhân. 

Các phương tiện giúp đánh giá thường là chẩn đoán hình ảnh não bằng MRI. Nếu khối u được tìm thấy, Bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật cho trẻ. Khi đó, Bác sĩ Nhi khoa sẽ thảo luận với người nhà để có được phương án điều trị tốt nhất cho bé. 

Trong quá trình này, một số Bác sĩ khác cũng sẽ tham gia như: Bác sĩ Nhi chuyên khoa Ung bướu, Bác sĩ Nhãn khoa, Bác sĩ Đa khoa, Kĩ thuật viên,... 

Một số phương pháp giúp đánh giá u não gồm:

Chụp CT: phương pháp này dùng tia X và máy tính để xử lý và cho ra hình anh cơ thể dưới dạng các lát cắt. 

Chụp CT bẹnh nhân u não

MRI: phương pháp này dùng một nam châm lớn, sóng điện từ và máy tính để xử lý và cho ra những hình ảnh về chi tiết trong cơ thể. Thuốc cản từ có thể sẽ được tiêm vào tĩnh mạch bé, giúp hình ảnh khối u hiện rõ hơn.

Chụp MRI bệnh nhân u não 

Chọc ống sống thắt lưng: bệnh nhân nằm nghiêng cong người, Bác sĩ sẽ dùng kim đâm vào vùng lưng ở đoạn thấp, đi vào ống sống (khoang xung quanh tủy sống). Sau đó hút dịch não tủy mang đi xét nghiệm tìm tế bào ung thư. 

PET: trong phương pháp này, dung dịch đường có hoạt tính phóng xạ sẽ được tiêm vào máu. Các tế bào ung thư sử dụng đường nhiều hơn tế bào bình thường, nên đường sẽ tập trung nhiều trong tế bào ung thư. Một máy ghi đặc biệt sẽ giúp nhận biết các phân tử đường. Phương pháp này còn giúp phát hiện tế bào ung thư ở nhiều nơi khác trong cơ thể, ngay cả khi các phương pháp thông thường không thể phát hiện. Hiện nay, PET thường được kết hợp với CT, nên còn được gọi là PET/CT. 

Sinh thiết: các tế bào trong khối u sẽ được trích ra và mang đi xét nghiệm. Phương pháp này còn giúp xác định loại khối u và tốc độ phát triển của khối u. 

Xét nghiệm máu: giúp kiểm tra các chất chỉ điểm ung thư, chúng được giải phóng từ khối u. 

Điều trị

Các phương pháp điều trị bao gồm:

Phẫu thuật: phẫu thuật luôn là bước đầu tiên trong quá trình điều trị, giúp loại bỏ khối u càng nhiều càng tốt, và đảm bảo được chức năng của não bộ. 

Hóa trị: đây là các thuốc giúp giết các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Các thuốc này được đưa vào cơ thể có thể qua đường tĩnh mạch, tiêm trực tiếp vào mô hay qua đường uống. 

Điều trị trúng đích: giúp diệt các tế bào ung thư nhưng không ảnh hưởng đến các tế bào bình thường. 

Xạ trị: phương pháp này sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại tia khác để giết tế bào ung thư hay ngăn chặn sự phát triển củng tế bào ung thư. 

Hóa trị liều cao kèm cấy tế bào gốc: các tế bào gốc này sẽ được lấy ra từ đứa trẻ hay từ người khác. Nhưng trước đó, trẻ sẽ phải trải qua hóa trị liều cao, có thể gây tổn thương ống sống. Sau đó, các tế bào gốc sẽ được đặt vào. 

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải sau hóa trị và xạ trị:

- Rụng tóc: cả hóa trị và xạ trị đều có khả năng gây rụng tóc. Nếu như do hóa trị, tóc sẽ mọc lại sau kết thúc điều trị. Nhưng đối với xạ trị, tóc có thể sẽ không mọc trở lại.

- Mệt mỏi: rất thường gặp trong cả hai phương pháp điều trị này, và có thể kéo dài nhiều tuần sau khi kết thúc hóa trị hoặc xạ trị.

- Cảm thấy khó chịu: hóa trị và xạ trị có thể sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, không khỏe trong người. Hãy nói với Bác sĩ nếu gặp dấu hiệu này để có cách điều trị phù hợp.

- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: hóa trị có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hãy đến khám ngay nếu bé bị sốt, cảm thấy không khỏe hay bất kì dấu hiệu nhiểm trùng khác.

- Biến đổi da tại nơi xạ trị: phương pháp này có thể khiến phần da chiếu xạ bị tổn thương, giống như cháy nắng. Vùng da đó trở nên đỏ, dễ bong, hoặc đau nếu như da sáng. Còn trong trường hợp da sạm, vùng đó trở nên sạm hơn và dễ bong da. Trong quá trình điều trị, cha mẹ và trẻ sẽ được dặn dò theo dõi tình trạng da và cách chăm sóc vùng da đó.

Các phương pháp điều trị khác bao gồm:

- Corticosteroids: thuốc này giúp phòng ngừa phù não. 

- Thuốc chống co giật: giúp ngăn ngừa co giật. 

- Đặt ống thông não thất - ổ bụng (VP Shunt): một ống dài sẽ được đặt vào cơ thể, giúp đưa lượng dịch não tủy dư vào ổ bụng. Phương pháp này giúp kiểm soát áp lực não. 

- Biện pháp chăm sóc nâng đỡ: trong quá trình điều trị, có thể sẽ xuất hiện nhiều tác dụng phụ gây khó chịu cho bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị nâng đỡ kèm theo là: thuốc giảm đau, hạ sôt, điều trị nhiễm trùng, chống nôn ói,... 

- Kháng sinh: điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng. 

- Hóc-môn: bệnh nhân có thể sẽ sử dụng một số loại thuốc giúp bổ sung hóc-môn nếu khối u gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hóc-môn.

Đối với bất kì loại ung thư nào, việc tiên lượng bệnh cực kì khó khăn. Hãy nhớ rằng:

- Tuân thủ đúng điều trị là điều quan trọng giúp cải thiện tiên lượng bệnh. 

- Theo dõi sát, tái khám đúng lịch hẹn trong và sau khi điều trị. 

- Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những phương pháp điều trị mới để cải thiện sức khỏe sau bệnh, cũng như giảm tác dụng phụ không mong muốn

Làm sao để trẻ chung sống với u não

Trẻ khi được chẩn đoán u não nên được theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên. Bé sẽ được đưa đến gặp Bác sĩ chuyên khoa Ung bướu cũng như một số khoa khác để được điều trị biến chứng do u, các tác dụng phụ sau điều trị và phát hiện sớm các dấu hiệu khi u quay trở lại. Trẻ sẽ được kiểm tra bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và một số xét nghiệm khác. Ví dụ như bé có thể cần gặp Bác sĩ Nhãn khoa nếu u ảnh hưởng đến thị lực. 

Bên cạnh đó, trẻ sẽ cần đến các Chuyên gia điều trị cũng như Bác sĩ Vật lý trị liệu để giúp linh hoạt trong cử động và tăng sức cơ. Nếu u não ảnh hưởng đến việc nói, các Bác sĩ chuyên chữa tật về nói sẽ giúp trẻ phục hồi. Ngoài ra, trẻ sẽ cần đến các Bác sĩ chuyên khoa khác nếu hoạt động tương ứng bị tác động. 

Bậc cha mẹ có thể giúp bé trong quá trình điều trị như sau:

  • Nếu trẻ gặp vấn đề trong ăn uống, hãy tham vấn chuyên gia dinh dưỡng để có những lời khuyên hữu ích.
  • Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, cần hài hòa giữa việc nghỉ ngơi và hoạc động. Hãy động viên bé tập thể dục nhẹ nhàng. Việc này giúp tăng sức khỏe và có thể làm giảm đau.
  • Nếu con bạn có thói quen hút thuốc lá, hãy khuyên chúng cai thuốc và cho chúng biết về những tác hại của thuốc lá.
  • Hãy trở thành chỗ dựa tinh thần cho bé. Bậc cha mẹ có thể tìm đến các nhà tư vấn để có lời khuyên hữu ích.
  • Hãy chắc chắn rằng trẻ tái khám Bác sĩ theo đúng lịch hẹn.

Những điều nên nhớ về u não ở trẻ em

Sau đây là một số điều chính cần nhớ đối với u não ở trẻ em:

  • U não có nguồn gốc từ các tế bào trong não.
  • Bất kì lứa tuổi nào cũng có thể bị u não. U não ở trẻ em rất khác so với u não ở người trưởng thảnh.
  • Phân loại u não dựa vào loại u và vị trí u trong não.
  • Dấu hiệu thường gặp trong u não bao gồm: nhức đầu, buồn nôn, nôn ói, khó khăn trong vận động.
  • Hầu hết u não ở trẻ em được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
  • Theo dõi sát sức khỏe trong quá trình điều trị là điều vô cùng quan trọng, nhằm phát hiện biến chứng u não, tác dụng phụ của quá trình điều trị và dấu hiệu nếu u não phát triển trở lại.

Khi thấy trẻ có các triệu chứng của bệnh u não, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để sớm có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu cần được giúp đỡ, bạn có thể liên hệ đặt khám với Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại 1900 1246 để được hỗ trợ và giúp đỡ.

Bác sĩ khám, điều trị

Nguyễn Tường Vũ

Thạc sĩ-Bác sĩ Nguyễn Tường Vũ

Khoa: Nội thần kinh, Ngoại thần kinh

Nơi làm việc: Bệnh viện Chợ Rẫy

Kinh nghiệm: 28 năm

Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa

Nguyễn Văn Hào

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hào

Khoa: Cơ xương khớp, Nội thần kinh, Ngoại thần kinh

Nơi làm việc: Phòng Quân y – Bộ Tư lệnh Pháo binh

Kinh nghiệm: 22 năm

Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa cấp 2

Đánh giá, chia sẻ Gửi đánh giá

    Lê Ngọc Châu (14/11/2019)
    Cho hỏi mẹ tôi bs chuẩn đoán là u não,khoi u rất to.hien bà 72tuoi tôi đc biết bệnh viện có phương pháp điều trị bằng máy Gamma , với tuổi cua bà tôi có nên cho bà đi điều trị không
    TRẦN THỊ BÍCH HIỀN (20/05/2018)
    cho mình hỏi u não có phải bệnh bẩm sinh ko ah? gia đình mình gần đây có cháu mắc bệnh u não trong khi bé mới 4 tuổi và phát bệnh trong vòng 1 tháng.hiện đang chờ điều trị và chuẩn đoán u lành hay ác tính. Mình đang mang thai bé đầu 19 tuần. cho mình hỏi là xét nghiệm khi mẹ mang thai có tiên lượng đc bệnh anyf ko ạ?
    Phan thị thùy dương (03/01/2018)
    Con tôi năm nay 8 tuổi, gần đây bị đau đầu vùng trán và nôn vào buổi sáng, nôn xong thì đỡ.
    Tôi đã đến bệnh viện để chụp CT cho cháu thì được kết luận bị viêm xoang, não không có vấn đề gì. Tôi cho cháu uống thuốc nhưng khoảng 1 tháng sau cháu lại bị tương tự như vậy. Tôi cũng đưa cháu đi khám và bác sỹ kết luận viêm xoang nhưng tôi vẫn rất lo lắng.
    Xin hỏi tôi có cần đưa cháu đi làm thêm các xét nghiệm gì khác để chắc chắn rằng cháu không bị u não không?
    Hello Doctor (04/01/2018)
    Chào bạn Thùy Dương, chúng tôi khuyên bạn và gia đình nên đưa con đi khám lại. Việc đau vùng trán và nôn có thể là dấu hiệu của một số bệnh như: rối loạn tiền đình, tăng huyết áp, tăng áp lực nội sọ do u, lao màng não,...

    Có thể thực hiện một số xét nghiệm như chụp CT não, Soi cấy dịch não tuỷ...

    Bình luận, đặt câu hỏi

    Các thông tin cá nhân của bạn sẽ không bị công khai

    Nội dung

    Đọc thêm

    Bài viết đang được cập nhật...