Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng đau mắt?
Chào bác sĩ ạ, bác sĩ cho em hỏi thỉnh thoảng em bị đau nhức mắt (rất đau và nhức) nhưng em không thấy thị lực bị giảm hay dấu hiệu nào khác kèm theo, như vậy thì em bị làm sao và cách điều trị như thế nào? Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi và nhờ cậy sự tư vấn của các bác sĩ. Để giải đáp những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về chứng đau mắt để bạn hiểu và biết cách xử lý trong tình trạng của mình như sau:
2. Triệu chứng đi cùng đau mắt
6. Chẩn đoán và điều trị đau mắt
1. Đau mắt là gì?
Đau mắt có thể xảy ra trên bề mặt mắt hoặc ở các cấu trúc sâu hơn trong mắt. Đau mắt nghiêm trọng - đặc biệt là khi kèm theo thay đổi thị lực ở bất kỳ mức độ nào - có thể là tín hiệu cho thấy bạn có vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Cần tìm đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Đau mắt là hiện tượng ngứa rát, nhức mỏi vùng mắt, nhìn mờ. Đây có thể là triệu chứng do việc nhìn quá lâu trong lúc làm việc hoặc có thê phát sinh từ nguyên nhân bệnh tật, hoặc có thể do bị đau đầu gây nên. Đau mắt đi kèm với tình trạng suy giảm thị lực có thể là một tín hiệu cho thấy bạn đang mắc một căn bệnh nghiêm trọng, cần chữa trị kịp thời.
Trong nhiều trường hợp, đau mắt sẽ tự hồi phục, nhưng ở những trường hợp khác, cần phải đến cơ sở y tế để được điều trị và ngăn ngừa sự tổn hại lâu dài đối với mắt. Cần điều trị khẩn cấp nếu có tổn thương mắt do tai nạn hoặc chấn thương.
2. Triệu chứng đi cùng với đau mắt
Các dấu hiệu nhận biết nhanh tình trạng đau mắt
- Mắt đỏ
- Tăng tiết dịch, nước mắt, ghèn
- Ngứa, rát khô mắt
Ngoài cảm giác đau mắt, còn có các triệu chứng khác kèm theo, có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ra sự khó chịu của bạn. Các triệu chứng đó bao gồm:
- Viêm kết mạc - mắt đỏ ngứa
- Chảy nước mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Tiết dịch, có thể trong, hoặc đặc và có màu (mủ)
- Mi mắt đóng váng khi thức dậy
- Dị cảm - cảm giác có cái gì đó trong mắt, dù có hay không có vật lạ trong mắt
- Buồn nôn hoặc nôn
- Thị lực suy giảm
- Đau đầu
3. Nguyên nhân gây ra triệu chứng đau mắt
Những nguyên nhân có thể gây ra đau mắt là:
- Dị ứng
- Viêm mi mắt
- Tắc ống lệ
- Chắp lẹo
- Đau đầu cụm ( Cluster headache )
- Vấn đề về kính áp tròng
- Trợt giác mạc (trầy xước)
- Khô mắt (giảm lượng nước mắt)
- Tật lộ mi (mi mắt lộn ra phía ngoài)
- Tật quặm mi (mi mắt lộn vào phía trong)
- Viêm xoang
- Vật lạ trong mắt
- Tăng nhãn áp
- Chấn thương, ví dụ như chấn thương kín hoặc bỏng
- Viêm mống mắt (viêm tròng đen của mắt)
- Viêm giác mạc
- Viêm dây thần kinh thị giác
- Đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
- Viêm củng mạc (viêm phần trắng của mắt)
- Viêm màng bồ đào
- Di vật trong mắt: Đau buốt trong mắt, tăng lên khi mắt hoặc mi cử động, có tiền sử nghĩ đến bắn dị vật vào mắt. Nhiều lúc đau dữ dội ở mắt là do tăng nhãn áp, lúc đó có thể buồn nôn và nôn.
- Đau có thể là triệu chứng quá căng mắt khi đọc, nhìn nhiều, nhưng nguyên nhân hay gặp nhất là viêm mi hoặc kết mạc và những dị vật nhỏ.
- Do viêm nhiễm ở lớp trong của mắt (viêm loét giác mạc, viêm bồ đào…)
- Một số bệnh đau đầu do những nguyên nhân khác nhau lan truyền tới mắt như: đau đầu từng chuỗi, đau nửa đầu dữ dội kèm theo đau mặt và mắt kéo dài 15 phút đến 1 giờ, thường ở một bên kèm theo là có chảy nước mắt, mắt nề, sa mi mắt và co đồng tử, chảy nước mũi.
- Chói nhức mắt có thể gặp ở những người bị thiếu sắc tố ở mống mắt và hắc mạc mắt (ở những người bạch tạng), đôi khi ở những người suy nhược thần kinh. Chói mắt thể hiện rõ khi viêm giác mạc, viêm màng bồ đào và có dị vật ở giác mạc.
4. Chăm sóc mắt thế nào khi bị đau mắt?
Thông thường, chăm sóc tại gia bao gồm việc rửa mắt bằng nước. Khi mắt tiếp xúc với dị vật hoặc hóa chất, điều quan trọng là phải rửa mắt bằng nước ấm hoặc dung dịch rửa mắt.
Cách tốt nhất để điều trị tình trạng đau mắt là để mắt nghỉ ngơi. Nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính hoặc tivi có thể gây ra mỏi mắt, vì vậy bác sĩ có thể yêu cầu bạn phải để mắt nghỉ ngơi khoảng một ngày hoặc lâu hơn.
Đối với những trường hợp khó chịu nhẹ, hãy để cho mắt nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau không kê toa và tránh tiếp xúc ánh sáng.
Nếu mắt nhức ít hay mỏi mắt về buổi chiều sau ngày làm việc thì có thể nằm nghỉ cho mắt nghỉ ngơi, uống thuốc chống nhức. Tránh nắng chói, đắp gạc lạnh trên mắt có thể làm dịu cơn nhức, đỡ mỏi. ví dụ:
- Màn hình máy tính, vô tuyến… cần phải được để ở khoảng cách hợp lý và cân bằng.
- Tập thể dục hàng ngày cho 2 mắt.
- Nếu phải đeo kính, bạn nên chọn loại gọng kính và mắt kính nhẹ. Hiện nay trên thị trường có bạn rất nhiều loại kính chống khúc xạ, trong tia UV… rất có lợi cho mắt và có tác dụng chống mỏi mắt. Nếu bạn thường đeo kính áp tròng, hãy thay bằng kính có gọng một thời gian để giác mạc được phục hồi tốt hơn.
- Khi cảm thấy có dị vật trong mắt, không nên chà và dụi mắt; điều này có thể khiến mắt bị tổn thương nghiêm trọng. Không cố gắng loại bỏ dị vật trong mắt của bạn hoặc của người khác. Chỉ nên rửa mắt nhẹ nhàng và để các chuyên gia y tế xem xét các cách điều trị khác.
- Chú ý tới độ sáng trong phòng làm việc và phòng xem vô tuyến, phòng đọc sách … ở nhà bạn.
- Ghế và bàn làm việc phải có chiều cao tương ứng với chiều cao của bạn.
- Không nên ngồi làm việc quá lâu ở một tư thế. Hãy nghỉ 5 phút giữa giờ.
- Khói thuốc hay máy điều hòa trong phòng làm việc cũng có thể làm bạn mỏi mắt. Hãy tránh xa chúng nếu có thể.
Nếu không bớt, các triệu chứng tăng thêm thì nên đi khám bác sĩ
5. Khi nào nên gặp bác sĩ?
Khi mắt bị đau nhức nhiều, kèm thêm với mắt đỏ và các khó chịu khác như đau dữ dội bất thường hoặc kèm theo đau đầu, sốt hoặc nhạy cảm bất thường với ánh sáng, thị lực thay đổi đột ngột, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau mắt gây ra bởi vật thể lạ hoặc do hóa chất dính vào mắt, thấy quầng sáng quanh đèn, sưng bên trong hoặc xung quanh mắt, gặp khó khăn khi di chuyển mắt hoặc không thể mở mắt, mắt bị chảy máu hoặc mủ. Nhức mắt là một triệu chứng không chuyên biệt, có nghĩa là nhiều bệnh có thể gây nhức mắt, chỉ khi khám bác sĩ, hỏi cẩn thận và khám nghiệm đầy đủ mới tìm ra bệnh được.
6. Chẩn đoán và điều trị triệu chứng đau mắt
Đau mắt nặng cần được chăm sóc y tế, đặc biệt là khi đi kèm giảm thị lực, đau đầu, buồn nôn và nôn.
Bác sĩ có thể chẩn đoán một số bệnh thường gặp về mắt, ví dụ như viêm kết mạc. Nếu có bất kỳ nguyên nhân nào gây đau mắt nặng, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến chuyên gia nhãn khoa.
Các bác sĩ nhãn khoa sử dụng nhiều công cụ khác nhau để chẩn đoán đau mắt, tất cả đều được sử dụng trong các phòng khám:
- Kiểm tra đèn khe sử dụng ánh sáng mạnh chiếu vào mắt để xem các cấu trúc của mắt.
- Thuốc giãn đồng tử cho phép bác sĩ nhìn sâu vào mắt.
- Áp kế mắt (tonometer) có thể phát hiện áp lực cao trong bệnh tăng nhãn áp.
Điều trị đau mắt phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra đau. Các phương pháp điều trị phổ biến nhất bao gồm:
- Chườm ấm: Bác sĩ có thể hướng dẫn người mắc bệnh viêm mi mắt hoặc chắp lẹo giữ một tấm khăn ướt ấm ở trên mắt. Điều này sẽ giúp làm sạch các tuyến bã nhờn bị tắc hoặc nang lông.
- Kháng sinh: thuốc kháng sinh đường uống và nhỏ mắt có thể được sử dụng để điều trị nhiễm trùng mắt gây đau, bao gồm viêm kết mạc và trợt giác mạc.
- Thuốc kháng histamine: Thuốc nhỏ mắt và thuốc uống có thể giúp giảm đau do dị ứng ở mắt.
- Thuốc nhỏ mắt: Những người bị tăng nhãn áp có thể dùng thuốc nhỏ mắt để giảm áp lực trong mắt.
- Corticosteroid: Đối với các bệnh nhiễm trùng nặng hơn, chẳng hạn như viêm dây thần kinh thị giác và viêm mống mắt, bác sĩ có thể kê corticosteroid.
- Thuốc giảm đau: Nếu cơn đau trầm trọng và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau để điều trị.
- Phẫu thuật: Đôi khi cần phẫu thuật để chữa trị thương tổn do dị vật hoặc bỏng gây ra. Điều này rất hiếm khi xảy ra. Những người bị tăng nhãn áp có thể phải điều trị bằng laser để cải thiện bệnh.
7. Phòng ngừa triệu chứng đau mắt
Phòng ngừa cơn đau mắt bắt đầu với việc bảo vệ mắt. Sau đây là những cách bạn có thể ngăn ngừa đau mắt:
- Ngăn ngừa các nguyên nhân gây đau mắt như trầy xước và bỏng bằng cách đeo kính bảo hộ khi chơi thể thao, tập thể dục, cắt cỏ hoặc làm việc bằng dụng cụ cầm tay. Công nhân xây dựng, thợ hàn, và những người làm việc xung quanh các vật di động tầm cao, hóa chất, hoặc thiết bị hàn luôn phải đeo kính bảo vệ.
- Các hóa chất trực tiếp và các chất hoạt hóa mạnh như các chất tẩy rửa gia dụng và chất diệt côn trùng. Để xa cơ thể khi đang sử dụng.
- Tránh để trẻ chơi những món đồ chơi có thể gây thương tích cho mắt. Đồ chơi có lò xo, có thể bắn, có kiếm hoặc súng, và quả bóng nảy đều có thể gây thương tích cho mắt của trẻ.
- Làm sạch kính áp tròng kỹ lưỡng và thường xuyên. Thỉnh thoảng dùng kính có gọng để đôi mắt được nghỉ ngơi. Không đeo kính áp tròng lâu hơn thời gian khuyến cáo sử dụng.
Muốn biết thực sự nguyên nhân gây nên nhức mắt, mặc dù hiện tại chưa có dấu hiệu của việc giảm thị lực, bạn vẫn nên đi khám chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để từ đó tìm ra biện pháp tốt nhất khắc phục tình trạng của mình.
Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy gọi cho Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại: 1900 1246 để đặt lịch khám với các bác sĩ, chúng tôi luôn sẵn lòng được hỗ trợ cho bạn.
Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.
Bình luận, đặt câu hỏi