Viêm đại tràng giả mạc
Bệnh viêm đại tràng giả mạc có thể gây ra đau đớn cho người bệnh cùng nhiều những triệu chứng khác. Nhưng bệnh viêm đại tràng giả mạc khi được điều trị sớm có khả năng cao được chữa khỏi.
1. Viêm đại tràng giả mạc là gì
2. Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc
3. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng giả mạc
4. Biến chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc
5. Điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc
1. Bệnh viêm đại tràng giả mạc là gì?
Viêm đại tràng giả mạc (tên tiếng Anh là Pseudomembranous Collitis) còn được gọi là viêm đại tràng liên quan đến kháng sinh hay do vi khuẩn C. diffiicile. Bệnh này được định nghĩa là tình trạng viêm xảy ra tại đại tràng (hay còn gọi là ruột già) do vi khuẩn Clostridium difficile. Sự phát triển của loại vi khuẩn này thường có mối liên hệ với tiền căn sử dụng kháng sinh gần đây.
2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc
Triệu chứng thường gặp của viêm đại tràng giả mạc bao gồm:
- Tiêu chảy phân nước, thậm chí có khi lẫn máu.
- Cơn đau quặn bụng.
- Sốt.
- Dịch nhầy trong phân.
- Nôn ói.
- Mất nước.
Các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện rất sớm chỉ sau một đến hai ngày từ lúc bắt đầu sử dụng kháng sinh hoặc vài tuần sau khi ngưng dùng kháng sinh.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Hãy đến khám bác sĩ nếu bạn có triệu chứng tiêu chảy khi đang sử dụng kháng sinh, dù nhẹ. Và hãy đến khám ngay lập tức nếu như bạn bị tiêu chảy nặng, kèm dịch nhầy và máu.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng giả mạc
Bình thường, trong ruột có rất nhiều loại vi khuẩn có lợi chung sống hòa bình với chúng ta, chúng giúp kiềm hãm các vi khuẩn có hại và tạo nên sự cân bằng sinh học. Tuy nhiên, các loại kháng sinh hay một số loại thuốc có thể phá vỡ sự cân bằng này. Có một số vi khuẩn nhất định, thường là Clostridium difficile, bình thường chúng bị kìm hãm, nhưng vì một lý do nào đó, chúng phát triển mạnh, nhanh hơn các vi khuẩn có lợi và từ đó có thể gây bệnh viêm đại tràng giả mạc. Khi đó, số lượng các độc chất mà chúng tạo ra tăng lên, khi tăng cao đến một mức nào đó sẽ gây tổn thương ruột già.
Một số kháng sinh có thể gây viêm đại tràng giả mạc:
- Nhóm Fluoroquinolones
- Nhóm Penicillins
- Clindamycin (Cleocin)
- Nhóm Cephalosporins
Các nguyên nhân khác:
Ngoài kháng sinh, các loại thuốc khác thỉnh thoảng cũng có khả năng gây viêm đại tràng giả mạc. Ví dụ như các thuốc hóa trị được dùng trong điều trị ung thư có thể phá vỡ sự cân bằng sinh học đó và gây ra bệnh.
Một số bệnh khác có ảnh hưởng lên đại tràng như loét đại tràng, bệnh viêm ruột Crohn có thể dẫn đến viêm đại tràng giả mạc trên một số bệnh nhân.
Bào tử của Clostridium difficile đề kháng cao với các thuốc tẩy rửa thông thường, do đó chúng có khả năng lây lan cao bằng tiếp xúc tay từ nhân viên y tế sang bệnh nhân. Tuy nhiên, rất nhiều báo cáo y khoa đã cho biết rằng C. difficile có thể được tìm thấy ở những người không có bất kì yếu tố nguy cơ nào bao gồm không tiếp xúc với nhân viên y tề và không sử dụng kháng sinh gần đây. Các trường hợp này được gọi là viêm đại tràng giả mạc do C. difficile mắc phải ngoài cộng đồng.
Hình ảnh đại tràng bị viêm do Clostridium difficile sau khi cắt.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng giả mạc
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng giả mạc bao gồm:
- Sử dụng kháng sinh.
- Nằm lại tại bệnh viện hay sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà.
- Người lớn tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi.
- Hệ miễn dịch suy yếu.
- Đang mắc các bệnh về đại tràng như viêm đại tràng hay ung thư đại trực tràng.
- Trải qua cuộc phẫu thuật ruột.
- Hóa trị điều trị ung thư.
4. Biến chứng và tác hại của bệnh viêm đại tràng giả mạc
Đa số các trường hợp, viêm đại tràng giả mạc đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dù được chẩn đoán và điều trị kịp thời, căn bệnh này cũng có thể đe dọa tính mạng. Một số biến chứng của bệnh bao gồm:
- Giảm Kali máu: mất Kali do tiêu chảy.
- Mất nước dẫn đến tụt huyết áp: liên quan đến mất dịch cơ thể và các chất điện giải do tiêu chảy.
- Suy thận: do tiêu chảy dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng.
- Thủng ruột: dẫn đến viêm trong khoang ổ bụng.
- Phình đại tràng do nhiễm độc: rất hiếm xảy ra, nhưng đây là tình trạng phù đại tràng rất nghiêm trọng, khiến cho phân và khí không được lưu chuyển tốt, từ đó dễ bị ứ đọng và gây vỡ đại tràng.
Hơn nữa, bệnh viêm đại tràng giả mạc có thể quay trở lại sau khi điều trị thành công.
5. Các phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc
Chẩn đoán
Các phương tiện giúp chẩn đoán và phát hiện biến chứng của viêm đại tràng giả mạc bao gồm:
Xét nghiệm phân: có rất nhiều cách xét nghiệm phân giúp phát hiện viêm đại tràng do Clostridium difficile.
Xét nghiệm máu: giúp phát hiện sự gia tăng số lượng tế bào bạch cầu, từ đó hỗ trợ chẩn đoán.
Nội soi đại - trực tràng: Bác sĩ sẽ dùng một ống mềm với camera nhỏ ở đầu ống và đưa vào ruột qua ngã hậu môn để kiểm tra các dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc như: mảng vàng gồ lên trên bề mặt ruột và dấu phù ruột.
Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc bằng nội soi
Chẩn đoán hình ảnh: nếu bạn có các dấu hiệu nặng, Bác sĩ sẽ cho bạn đi chụp X-quang bụng hoặc chụp CT bụng để tìm các biến chứng như phình đại tràng do nhiễm độc và thủng đại tràng.
Điều trị
Một số phương pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc bao gồm:
Hãy ngưng sử dụng kháng sinh và các loại thuốc: nếu nghi ngờ chúng gây ra các triệu chứng đã kể trên.
Sử dụng các kháng sinh có tác dụng chống lại Clostridium difficile: nếu bạn có các dấu hiệu bệnh, Bác sĩ sẽ kê toa một loại kháng sinh giúp diệt C. difficile. Thuốc này tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển, khôi phục sự cân bằng sinh học trong ruột. Loại kháng sinh đó có thể được dùng bằng đường miệng, bằng đường truyền tĩnh mạch hay được đưa vào dạ dày bằng ống mũi-dạ dày. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, Bác sĩ sẽ cho uống metronidazole (Flagyl), vancomycin, fidaxomicin (Fidicid) hoặc kết hợp thuốc.
Cấy hệ vi sinh đường ruột (FMT): nếu tình trạng bệnh của bạn cực kỳ nghiêm trọng, bạn có thể sẽ được chỉ định cho cấy hệ vi sinh đường ruột từ phân của một người khỏe mạnh để tái lập sự cân bằng vi sinh trong ruột. Mẫu phân của người cho sẽ được đưa vào ruột bằng ống mềm hoặc được đặt trong viên nang và cho bệnh nhân nuốt. Thường Bác sĩ sẽ cho điều trị kháng sinh kèm theo.
Một khi bắt đầu điều trị viêm đại tràng giả mạc, các dấu hiệu bệnh sẽ bắt đầu cải thiện trong vòng vài ngày.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu phương pháp điều trị mới cho viêm đại tràng giả mạc là sử dụng kháng sinh thay thế và vaccine.
Điều trị viêm đại tràng giả mạc tái phát
Sự xuất hiện dòng Clostridium difficile mới, mạnh hơn và đề kháng với kháng sinh đã khiến cho việc điều trị ngày càng trở nên khó khăn, cũng như tỷ lệ tái phát cao hơn. Các phương pháp điều trị có thể kể đến như:
- Điều trị kháng sinh nhắc lại: bạn sẽ cần nhắc lại kháng sinh từ hai đến ba lần để điều trị viêm đại tràng giả mạc.
- Phẫu thuật: đây có lẽ là lựa chọn dành cho những bệnh nhân bị suy tạng tiến triển, thủng ruột và nhiễm trùng thành ổ bụng. Trong quá trình đó, Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ hay một phần đại tràng của bạn. Tuy nhiên, hiện nay có một phương pháp mới ít xâm lấn hơn và mang lại kết quả khả quan hơn, đó là phẫu thuật nội soi.
- Cấy hệ vi sinh đường ruột (FMT): phương pháp này cũng được dùng trong điều trị viêm đại tràng giả mạc.
Biện pháp tự chăm sóc
Một số nhà nghiên cứu gợi ý rằng hỗn hợp vi khuẩn và nấm men có lợi có khả năng ngăn ngừa nhiễm khuẩn do Clostridium difficile, tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp này là cần thiết để điều trị viêm đại tràng giả mạc tái phát. Phương án này rất an toàn và bạn có thể áp dụng dù không có ý kiến Bác sĩ.
Các phương pháp giúp giảm tiêu chảy và mất nước do viêm đại tràng giả mạc bao gồm:
- Uống nhiều nước: tốt nhất là các dung dịch uống có bổ sung thêm chất điện giải (Natri, Kali). Tránh các thực phẩm chứa nhiều đường, rượu bia và caffein như trà, cà phê, nước ngọt, vì chúng sẽ làm cho triệu chứng nặng nề hơn.
- Lựa chọn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa: bao gồm nước ép táo, chuối, gạo,... Tránh các loại thực phẩm giàu chất xơ như đậu, rau cải. Nếu các triệu chứng bắt đầu cải thiện, có thể thêm từ từ thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn.
- Chia nhỏ bữa ăn: nên ăn nhiều bữa ăn nhỏ hơn là ăn một bữa ăn lớn.
- Tránh các thực phẩm gây kích thích: như thức ăn cay, béo, các món chiên xào cũng như các thực phẩm khác có khả năng làm triệu chứng bệnh nặng nề hơn.
Ngay khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh viêm đại tràng giả mạc thì bạn không nên chủ quan bỏ qua các dấu hiệu đó mà nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm nhất có thể. Hãy liên hệ đặt khám với các bác sĩ của Hello Doctor theo số điện thoại 1900 1246 nếu bạn cần được hỗ trợ và giúp đỡ.
Bác sĩ khám, điều trị
Khoa: Nội tiết, Tiêu hóa - Gan mật
Nơi làm việc: Bệnh viện Đaị học Quốc gia Hà nội
Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa
Khoa: Tiêu hóa - Gan mật, Nội tổng quát
Nơi làm việc: Bệnh viện Trưng Vương
Kinh nghiệm: 11 năm
Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa
Bình luận, đặt câu hỏi