Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi là tình trạng không khí lọt vào giữa 2 lá màng phổi làm xẹp phổi. Tình trạng này có thể gây ra thiếu oxy ngày càng trầm trọng và huyết áp thấp. Nếu không được điều trị hiệu quả, có thể dẫn đến tử vong.
- Triệu chứng tràn khí màng phổi
- Các thể lâm sàng tràn khí màng phổi
- Cơ chế bệnh sinh tràn khí màng phổi
- Nguyên nhân tràn khí màng phổi
- Điều trị tràn khí màng phổi
1. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh tràn khí màng phổi
- Đau ngực: Xuât hiện đột ngột, tự nhiên hoặc sau một gắng sức mạnh. Đau âm ỉ hoặc đau nhói, đôi khi đau như dao đâm. Đau tăng khi hít vào sâu, khi ho, khi cử động.
Đau ngực đột ngột, dữ dội khiến người bệnh không thể thở sâu và ho vì khi ho làm các cơn đau tăng lên.
- Ho khan, khi thay đổi tư thế.
- Khó thở, tăng lên khi gắng sức: Khó thở nhiều gặp trong tràn khí màng phổi áp lực, bệnh nhân có bệnh lý hô hấp trước đó như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, bệnh bụi phổi, xơ phổi, tâm phế mạn…
==
Tư vấn và khám bệnh:
✍ Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bình- BV Chợ Rẫy
==
2. Các thể lâm sàng của bệnh tràn khí màng phổi
- Tràn khí màng phổi toàn bộ (hoàn toàn).
- Tràn khí màng phổi khu trú (không hoàn toàn): do có dày dính màng phổi cũ.
- Tràn khí màng phổi có van: Không khí vào màng phổi nhưng không thoát ra được, đây là một thể nặng có thể đưa đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
- Tràn khí màng phổi cả 2 bên: Hiếm gặp, thường tử vong nhanh.
- Tràn khí màng phổi ở bệnh nhân có suy hô hấp mạn (COPD, Lao xơ...) gây suy hô hấp cấp/ suy hô hấp mạn dẫn đến suy hô hấp mất bù.
- Tràn khí màng phổi thể im lặng: thường là tràn khí màng phổi khu trú, nhẹ, đi kèm với hen phế quản, khí phế thủng... nên chỉ phát hiện khi chụp phim phổi.
3. Cơ chế bệnh sinh
Bình thường áp lực trong khoang màng phổi là âm (-3 đến - 5 cm H20) khi không khí lọt vào màng phổi thì sẽ làm nhu mô phổi co lại, lồng ngực dãn ra nên dung tích sống, dung tích toàn phần và dung tích cặn giảm.
Mức độ rối loạn chức năng hô hấp do tràn khí màng phổi phụ thuộc vào mức độ tràn khí (xẹp phổi) và chức năng của phổi trước khi bị tràn khí - Có thể có tràn máu màng phổi sau tràn khí do thương tổn dây chằng giữa 2 màng phổi.
Thông thường thì không khí lọt vào màng phổi khi thở vào và thoát ra khi thở ra, nếu thở ra mà khí không thoát ra được là tràn khí có van do đó gây nên khó thở tăng dần và đưa đến suy hô hấp trầm trọng, đẩy lệch trung thất.
Tràn khí màng phổi có thể gây nên do vết thương xuyên thành ngực hay qua lá tạng do thủng, vỡ phế nang, vỡ bóng khí, vỡ áp xe phổi.
Nếu lỗ dò của màng phổi được bít lại thì tràn khí sẽ tiêu dần. Nếu tràn khí màng phổi xảy ra trên 1 dày dính màng phổi thì sẽ gây tràn khí màng phổi không hoàn toàn.
4. Nguyên nhân gây ra bệnh tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát: không rõ nguyên nhân, thường gặp ở người trẻ, cao, gầy, hút thuốc.
Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát sau một số bệnh phổi:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính(COPD), hen phế quản.
- Nhiễm khuẩn phổi.
- Các bệnh phổi mô kẽ: xơ phổi, tắc động mạch phổi, bụi phổi silic.
- Bệnh tự miễn: Viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ, xơ cứng bì.
- Ung thư phế quản phổi di căn màng phổi gây thủng màng phổi: hiếm gặp.
- Tràn khí màng phổi do chấn thương hoặc vết thương: vết thương ngực hở hoặc gẫy xương sườn gây tổn thương phổi, dập nhu mô phổi.
- Tràn khí màng phổi do các thủ thuật chẩn đoán và điều trị: chọc dịch màng phổi, sinh thiết màng phổi, sinh thiết phổi xuyên thành ngực, mở màng phổi, đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn, bóp bóng quá mạnh hoặc thở máy áp lực cao,…
5. Yếu tố nguy cơ
- Giới tính: Nói chung, nam giới có nhiều khả năng bị tràn khí màng phổi hơn nữ giới.
- Hút thuốc: Nguy cơ tăng theo chiều dài thời gian và số lượng thuốc lá.
- Tuổi tác: Các loại tràn khí màng phổi gây ra bởi vỡ kén khí có nhiều khả năng xảy ra ở những người từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt là nếu người đó rất cao và nhẹ cân.
- Di truyền: Một số loại tràn khí màng phổi xuất hiện có liên quan đến các thành viên trong gia đình.
- Bệnh phổi: Đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - làm tăng khả năng tràn khí màng phổi hơn.
- Thông khí nhân tạo: Những người cần thông khí nhân tạo để hỗ trợ nhịp thở của họ có nguy cơ tràn khí màng phổi cao hơn.
- Tiền sử tràn khí màng phổi: Bất cứ ai đã từng bị tràn khí màng phổi đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, thường là trong vòng một đến hai năm đầu tiên.
6. Các phương pháp điều trị bệnh tràn dịch màng phổi
Mục tiêu trong điều trị tràn khí màng phổi là làm giảm áp lực lên phổi, cho phép phổi nở ra. Tùy thuộc vào nguyên nhân của tràn khí màng phổi, mục tiêu thứ hai có thể là ngăn ngừa tái phát. Các phương pháp để đạt được những mục tiêu này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của xẹp phổi và toàn trạng của bệnh nhân.
Theo dõi
Nếu chỉ một phần nhỏ phổi bị xẹp, bác sĩ có thể chỉ cần theo dõi tình trạng bệnh nhân bằng các phim chụp X-quang cho đến khi không khí dư thừa được hấp thụ hoàn toàn và phổi nở lại. Thông thường phải mất một hoặc hai tuần. Oxy bổ sung có thể làm tăng quá trình hấp thụ.
Dẫn lưu khí màng phổi
Nếu một vùng phổi lớn hơn bị xẹp, một ống (thường làm bằng nhựa) sẽ được sử dụng để đưa vào khoang màng phổi và loại bỏ không khí thừa.
Đưa ống thông vào khoang liên sườn II, hoặc dùng máy hút (- 20 đến 40 cm H20). Sau 3 - 5 ngày thì kẹp ống thông lại: 24 - 48 giờ để xem tràn khí có trở lại hay không, theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp và kiểm tra bằng X quang để đánh giá.
Phẫu thuật
Nếu dẫn lưu không giải quyết được vấn đề, phẫu thuật có thể cần thiết để đẩy không khí ra khổi màng phổi.
Chỉ định điều trị ngoại khoa khi có các trường hợp sau.
- Tràn khí - tràn máu màng phổi do chấn thương.
- Tràn khí - mũ do vở áp xe phổi hay do lao.
- Tràn khí màng phổi do chấn thương ngực. (chấn thương hở, gãy xương sườn, dị vật...).
Tràn khí màng phổi có van: Đây là một cấp cứu nội khoa nên phải tiến hành nhanh.
Điều trị dự phòng tràn khí tái phát
Có thể tìm thương tổn gây TKMP bằng phương pháp nội soi để xác định như mổ kén khí, bịt lỗ thủng lá tạng.
Làm dày dính màng phổi bằng keo sinh học.
Bác sĩ khám, điều trị
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bình
Khoa: Hô hấp, Mạch máu, Nội tiết, Ngoại lồng ngực
Nơi làm việc: Bệnh viện Chợ Rẫy
Kinh nghiệm: 32 năm
Vị trí: Trưởng khoa Ngoại Lồng Ngực - Mạch máu
Bình luận, đặt câu hỏi