Viêm dạ dày

Viêm dạ dày

Viêm dạ dày có lẽ là tình trạng mà hiện nay đang rất nhiều người gặp phải. Viêm dạ dày có thể xảy ra đột ngột (viêm dạ dày cấp tính), hoặc xuất hiện chậm theo thời gian (viêm dạ dày mạn tính). Và dù trong trường hợp nào thì cũng cần được điều trị.

1. Bệnh viêm dạ dày là gì?

2. Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày

3. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm dạ dày

4. Biến chứng của bệnh viêm dạ dày

5. Điều trị bệnh viêm dạ dày

6. Phòng chống bệnh viêm dạ dày

7. Bác sĩ điều trị

1. Viêm dạ dày là bệnh gì?

Viêm dạ dày (tên tiếng Anh là Gastritis) là thuật ngữ để chỉ một nhóm các vấn đề với điểm chung là: viêm lớp niêm mạc dạ dày. Tình trạng viêm nhiễm này thường là kết quả của sự nhiễm trùng với cùng một loại vi khuẩn gây ra loét dạ dày. Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau hoặc uống quá nhiều rượu cũng có thể góp phần làm viêm dạ dày.

Trong một số trường hợp, viêm dạ dày có thể dẫn đến loét và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, viêm dạ dày không nghiêm trọng và có thể được cải thiện nhanh khi điều trị.

2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh viêm dạ dày

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày bao gồm:

  • Cảm giác cồn cào hoặc đau rát (khó tiêu) ở vùng bụng trên, có thể nặng hơn hoặc được cải thiện khi ăn
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Cảm giác căng tức vùng bụng trên sau khi ăn

Viêm dạ dày không phải lúc nào cũng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng.

Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh viêm dạ dày

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Đa số mọi người thường gặp phải chứng khó tiêu và kích thích dạ dày. Hầu hết các trường hợp, chứng khó tiêu tồn tại trong thời gian ngắn và không đòi hỏi các chăm sóc y tế. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày kéo dài trong một tuần hoặc lâu hơn. Thông báo cho bác sĩ biết nếu tình trạng khó chịu của bạn xảy ra sau khi dùng thuốc kê toa hoặc thuốc không kê toa, đặc biệt là aspirin hoặc các thuốc giảm đau khác.

Nếu bạn nôn ra máu, phát hiện máu trong phân hoặc phân có màu đen, hãy đến gặp bác sĩ ngay để xác định nguyên nhân.

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Tiêu Hoá Hello Doctor

☎ Gọi Bác sĩ - 19001246

3. Nguyên nhân của bệnh viêm dạ dày

Viêm dạ dày là tình trạng viêm lớp niêm mạc dạ dày. Sự suy yếu hoặc thương tổn hàng rào chứa chất nhầy bảo vệ thành dạ dày sẽ cho phép dịch tiêu hóa làm hư hại và viêm lớp niêm mạc dạ dày. Một số bệnh lý và tình trạng cơ địa có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày, bao gồm bệnh Viêm ruột từng vùng (Crohn) và U hạt (Sarcoidosis), là tình trạng mà trong cơ thể có sự kết tập các tế bào viêm tăng trưởng.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm dạ dày

Yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm dạ dày

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm dạ dày bao gồm:

Nhiễm khuẩn: Mặc dù nhiễm Helicobacter pylori là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở người trên thế giới, nhưng chỉ có một số người nhiễm Helicobacter pylori phát triển thành viêm dạ dày hoặc các rối loạn dạ dày-ruột khác. Các bác sĩ cho rằng khả năng dễ bị tổn thương do vi khuẩn có thể là do di truyền hoặc lối sống, chẳng hạn như hút thuốc lá và thói quen ăn uống.

Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau thông thường như có thể gây ra viêm dạ dày cấp và mạn tính. Sử dụng các thuốc giảm đau thường xuyên hoặc uống quá nhiều loại thuốc này có thể gây ức chế tổng hợp prostaglandin là chất có vai trò bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày của bạn. 

Tuổi già: Người lớn tuổi thường tăng nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày do lớp niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng dần theo độ tuổi và cũng vì người cao tuổi có nhiều khả năng bị nhiễm Helicobacter pylori hoặc mắc bệnh rối loạn tự miễn hơn những người trẻ tuổi.

Nghiện rượu: Rượu có thể gây kích thích và ăn mòn lớp niêm mạc dạ dày, làm cho dạ dày của bạn dễ bị tổn thương hơn. Uống nhiều rượu có thể gây viêm dạ dày cấp tính.

Căng thẳng: Căng thẳng tinh thần do trải qua những ca đại phẫu, chấn thương, bỏng hay nhiễm trùng nặng có thể gây viêm dạ dày cấp tính.

Cơ thể tấn công chính tế bào trong dạ dày bạn: Được gọi là viêm dạ dày tự miễn, loại viêm dạ dày này xảy ra khi hệ miễn dịch trong cơ thể bạn tấn công các tế bào khỏe mạnh của lớp niêm mạc dạ dày làm mỏng đi lớp hàng rào bảo vệ.

Bệnh viêm dạ dày tự miễn phổ biến hơn ở những người mắc bệnh rối loạn tự miễn khác, bao gồm bệnh Hashimoto và bệnh Đái tháo đường týp 1. Viêm dạ dày tự miễn cũng có thể kèm theo thiếu hụt vitamin B-12.

Bệnh lý và tình trạng khác: Viêm dạ dày có thể liên quan đến các bệnh khác, bao gồm HIV / AIDS, bệnh Crohn và nhiễm ký sinh trùng.

4. Biến chứng và tác hại của bệnh viêm dạ dày

Nếu không được điều trị, viêm dạ dày có thể dẫn đến loét và chảy máu dạ dày. Một số dạng viêm dạ dày mạn tính tuy hiếm nhưng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhất là khi niêm mạc dạ dày của bạn mỏng với phạm vi rộng và có sự thay đổi các tế bào niêm mạc.

Hãy nói với bác sĩ nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn không cải thiện với điều trị viêm dạ dày.

5. Các phương pháp điều trị bệnh viêm dạ dày

Chuẩn bị trước khi đi khám

Bạn nên bắt đầu bằng việc đặt lịch hẹn với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa. Nếu họ nghi ngờ bạn bị viêm dạ dày, bạn sẽ được chuyển đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

Trước khi đi khám bạn cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin cần thiết. Dưới đây là các thông tin giúp bạn chuẩn bị kĩ càng:

  • Nhận thức về những điều không nên làm trước khi khám. Khi bạn đặt lịch hẹn, hãy hỏi về những điều mà bạn nên làm trước khi tới, chẳng hạn như việc điều chỉnh chế độ ăn uống 
  • Viết lại những triệu chứng bất thường mà bạn gặp, bao gồm các triệu chứng có vẻ như không liên quan tới lí do bạn đi khám
  • Viết lại những thông tin chính, bao gồm các căng thẳng hoặc các thay đổi gần đây trong cuộc sống
  • Ghi lại tất cả các thuốc, vitamin hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng
  • Nhờ một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn đi khám bệnh cùng với bạn. Họ có thể giúp bạn nhớ những điều mà bạn bỏ lỡ hoặc quên
  • Viết lại các câu hỏi bạn cần hỏi bác sĩ

Những điều nên làm trước ngày khám

Trước lịch khám, tránh uống rượu và ăn các loại thực phẩm có thể gây kích thích dạ dày của bạn, ví dụ như thức ăn cay, chua, chiên rán hoặc nhiều dầu mỡ. Nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dừng bất cứ loại thuốc nào theo toa mà bạn đang dùng.

Chẩn đoán

Mặc dù các bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ tình trạng viêm dạ dày sau khi trao đổi với bạn về bệnh sử cũng như khám lâm sàng, bạn cũng có thể cần một hoặc nhiều các xét nghiệm sau đây để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Xét nghiệm đối với nhiễm trùng Helicobacter pylori

Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Loại xét nghiệm được sử dụng sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của bạn. Helicobacter pylori có thể được phát hiện trong xét nghiệm máu, trong mẫu phân hoặc trong xét nghiệm kiểm tra hơi thở.

Để kiểm tra hơi thở, bạn sẽ được uống một ly nhỏ dung dịch urea chứa carbon phóng xạ trong suốt, không mùi vị. Vi khuẩn Helicobacter pylori nếu có sẽ tiết men urease phân hủy urea trong dạ dày tạo thành khí carbonic (CO2). Sau đó, bạn thổi vào một túi kín. Nếu nhiễm Helicobacter pylori, mẫu hơi thở của bạn sẽ chứa carbon phóng xạ.

Nội soi đường tiêu hóa trên

Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ đưa một ống mềm có gắn ống kính (đèn nội soi) qua cổ họng, đến thực quản và vào dạ dày, ruột non. Thông qua đèn nội soi, bác sĩ sẽ có thể tìm thấy các dấu hiệu viêm.

Nếu có vùng bất thường, bác sĩ có thể lấy mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để kiểm tra xét nghiệm. Sinh thiết cũng giúp xác định sự hiện diện của Helicobacter pylori trong lớp niêm mạc dạ dày.

Chụp X-quang đường tiêu hóa trên

Xét nghiệm này đôi khi được gọi là “nuốt barium” hoặc “chuỗi phim dạ dày-ruột”, những tia X sẽ tạo nên hình ảnh của thực quản, dạ dày và ruột non trên phim nhằm tìm kiếm những bất thường. Để thấy rõ vết loét, bạn có thể được yêu cầu uống dung dịch màu trắng đục có chứa barium.

Điều trị

Điều trị viêm dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Viêm dạ dày cấp tính do thuốc kháng viêm không steroid hoặc do rượu có thể làm giảm nhẹ bằng cách ngưng sử dụng những chất này.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm dạ dày bao gồm:

Thuốc điều trị bệnh viêm dạ dày

Lưu ý: Các loại thuốc chúng tôi đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo, nếu bạn muốn sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, không nên tự ý mua thuốc để điều trị. 

Biện pháp khắc phục và chăm sóc tại nhà

Có thể cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày nếu bạn:

- Chia ra nhiều bữa ăn nhỏ. Nếu bạn gặp chứng khó tiêu thường xuyên, thay vì ăn một bữa ăn quá nhiều, bạn nên ăn chia ra nhiều bữa nhỏ hơn nhằm làm giảm tác dụng của axit trong dạ dày.

- Tránh sử dụng thực phẩm có tính axit. Tránh các loại thực phẩm gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là những thức ăn cay, chua, chiên rán hoặc nhiều dầu mỡ.

- Tránh uống rượu. Rượu có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày.

- Đổi thuốc giảm đau. Nếu bạn sử dụng thuốc giảm đau làm tăng nguy cơ viêm dạ dày, acetaminophen có thể là một lựa chọn thay thế mà bác sĩ xem xét cho bạn. Thuốc này ít gây ảnh hưởng xấu thêm dạ dày của bạn.

Biện pháp khắc phục bệnh viêm dạ dày

6. Cách phòng chống bệnh viêm dạ dày

Phòng ngừa nhiễm Helicobacter pylori: Không rõ cơ chế Helicobacter pylori lây nhiễm như thế nào, nhưng có một số bằng chứng cho thấy nó có thể lây truyền từ người sang người hoặc qua thức ăn và nước ô nhiễm. Bạn có thể thực hiện các cách để tự bảo vệ bản thân khỏi các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như Helicobacter pylori, bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước và ăn các thức ăn đã được nấu chín hoàn toàn.

Bệnh viêm dạ dày nên được điều trị sớm để tránh những hậu quả xấu do bệnh gây ra. Bạn có thể liên hệ với các bác sĩ của Hello Doctor chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ qua số điện thoại 1900 1246.

Nguồn tham khảo: http://www.mayoclinic.org

Bác sĩ khám, điều trị

Đào Anh Tuấn

Bác sĩ Đào Anh Tuấn

Khoa: Nội tiết, Tiêu hóa - Gan mật

Nơi làm việc: Bệnh viện Đaị học Quốc gia Hà nội

Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa

Văn Nhật Minh

Bác sĩ Văn Nhật Minh

Khoa: Tiêu hóa - Gan mật, Nội tổng quát

Nơi làm việc: Bệnh viện Trưng Vương

Kinh nghiệm: 11 năm

Vị trí: Bác sĩ chuyên khoa

Đánh giá, chia sẻ Gửi đánh giá

  • Vân Ạnh

    Cảm ơn đã chia sẻ những kiến thức rất bổ ích.

    02/11/2017

Bình luận, đặt câu hỏi

Các thông tin cá nhân của bạn sẽ không bị công khai

Nội dung

Đọc thêm

Bài viết đang được cập nhật...