Vì sao tôi bị ngứa và phải chữa trị như thế nào
Chào bác sĩ, tôi là nam, năm nay 29 tuổi. Thời gian gần đây tôi thường bị ngứa khắp người, nổi cục lên và tôi càng gãi càng thấy ngứa hơn. Tôi không biết vì sao tôi lại bị như vậy, mong bác sĩ giải đáp giúp tôi và cho tôi lời khuyên. Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Chào bạn, trước tiên cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Ngứa là một cảm giác mà chắc hẳn ai cũng đã từng trải qua, tuy nhiên khi ngứa kéo dài và thường xuyên thì đó không phải là điều bình thường nữa. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Rất đáng tiếc là những thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa đủ để kết luận bạn đang mắc bệnh gì. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về tình trạng bạn đang gặp phải như sau:
4. Có nên gãi khi ngứa da không
4. Khi nào thì nên đi khám bác sĩ?
Lưu ý quan trọng: Bài viết này nhằm cung cấp kiến thức mang tính chất tham khảo. Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng hoặc những vấn đề còn mơ hồ, để hiểu rõ cụ thể trường hợp của bạn/ người thân, Hello Doctor hỗ trợ qua điện thoại hoặc nhắn tin trên facebook. Hello Doctor sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho từng trường hợp một cách cụ thể.
Bác sĩ tham vấn thông tin:
✍ Các bác sĩ Da Liễu Hello Doctor
1. Triệu chứng ngứa da là gì?
Ngứa là cảm giác khó chịu làm bạn muốn gãi. Đây là vấn đề mà ai cũng từng trải qua và triệu chứng thường khu trú (hạn chế ở một vùng của cơ thể) hoặc lan tỏa (xảy ra khắp mọi vùng trên cơ thể hoặc một vài nơi khác nhau trên cơ thể). Ngứa khắp người thường khó điều trị hơn ngứa khu trú. Ngứa có thể xảy ra chung với một tổn thương da nào đó hoặc đôi khi chỉ có ngứa mà không có tổn thương da. Ngứa đi kèm tổn thương da thấy được nên được thăm khám bởi bác sĩ da liễu vì nó phải được điều trị chuyên biệt. Đôi khi, phụ thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn mà cơn ngứa có thể nặng hơn vào ban đêm.
Ngứa thường xảy ra khi da bạn bị khô. Tình trạng này hay gặp ở người cao tuổi do da bắt đầu khô dần đi. Phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngứa mà da bạn có thể bình thường hoặc đỏ sần, sưng tấy thậm chí nổi bóng nước. Cảm giác ngứa làm bạn phải gãi nhiều có thể làm vùng da bị ngứa dày lên, chảy máu và nhiễm trùng.
Vùng da bị ngứa có thể khu trú ở chân hoặc tay hoặc lan khắp cả cơ thể. Ngứa da có thể xuất hiện mà không có bất kì thay đổi đáng kể nào trên da. Các thay đổi đó là:
- Da đỏ
- Da nổi bông, lốm đốm hoặc nổi bóng nước
- Da khô, nứt nẻ
- Da sần, có vảy
Đôi khi cơn ngứa kéo dài và dữ dội và khi bạn gãi vùng da bị ngứa, nó lại làm bạn cảm thấy ngứa hơn. Và bạn càng ngứa thì bạn càng gãi nhiều hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Để chấm dứt vòng luẩn quẩn này rất khó, nhưng nếu bạn tiếp tục gãi, bạn sẽ làm tổn thương da hoặc gây nhiễm trùng da.
Ngứa có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn. Ngứa kéo dài kèm theo gãi ngứa có thể làm cơn ngứa tăng mức độ lên nhiều hơn, có thể dẫn tới các biến chứng sau:
- Tổn thương da
- Nhiễm trùng
- Để lại sẹo
2. Nguyên nhân gây ra triệu chứng ngứa da
Các nguyên nhân có thể làm bạn ngứa bao gồm:
Da khô: nếu bạn không thấy quầng sáng đỏ trên da hoặc các thay đổi trầm trọng khác ở vùng da bị ngứa, nguyên nhân gây ngứa da rất có thể là do da bị khô. Da khô thường do tuổi già hoặc các yếu tố môi trường tác động lên da như sử dụng máy điều hòa nhiệt độ dài ngày và tắm quá nhiều lần.
Các bệnh về da và nổi ban đỏ: nhiều bệnh về da gây ra ngứa như bệnh viêm da, bệnh vảy nến, ghẻ, chí rận, thủy đậu và mề đay. Cơn ngứa thường chỉ ảnh hưởng tới một vùng da nhất định và đi kèm các triệu chứng khác như đỏ tấy, kích ứng da hoặc nổi bóng nước.
Các bệnh lý thần kinh: các bệnh ảnh hưởng lên hệ thần kinh như đa xơ cứng, bệnh đái tháo đường (tiểu đường), chèn ép thần kinh và bệnh Zona thần kinh có thể gây ngứa.
Căng thẳng, lo âu hoặc các rối loạn cảm xúc khác.
Cháy nắng: cháy nắng cũng gây nên tình trạng ngứa.
Bệnh lý: Các bệnh về chuyển hóa hoặc thay đổi hormone như bệnh thận mạn, bệnh cường giáp, ung thư, bệnh gan (do tắc mật).
Kích ứng da hoặc dị ứng: len, hóa chất, xà phòng và các chất hóa học khác có thể gây kích ứng da và làm bạn ngứa. Đôi khi các thuốc độc hoặc mỹ phẩm làm bạn bị dị ứng. Dị ứng thức ăn cũng có thể làm bạn bị ngứa da.
Thuốc: phản ứng của cơ thể đối với một vài loại thuốc có thể làm phát ban lan tỏa và gây ngứa da.
Mang thai: trong thời gian mang thai, một vài thai phụ bị ngứa, đặc biệt là ở vùng bụng và vùng đùi. Các bệnh về da như viêm da cũng có thể nặng lên trong thời gian mang thai.
3. Biện pháp tự chăm sóc khi bị ngứa da
Để tạm thời giảm bớt cảm giác ngứa, hãy làm theo các cách dưới đây:
- Tránh sử dụng các vật hoặc các chất làm bạn ngứa: hãy xác định nguyên nhân gây ngứa và tránh nó như tránh mặc quần áo thô ráp, mở máy điều hòa nhiệt độ quá cao, tắm nước nóng quá nhiều hoặc các chất gây kích thích như xà phòng hoặc chất tẩy rửa, trang sức.
- Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm da hoặc kem làm mát da lên vùng da bị ảnh hưởng ít nhất 1 lần/ngày.
- Sử dụng kem chống ngứa lên vùng da bị ảnh hưởng
- Tránh gãi, thay vào đó bao bọc vùng da bị ngứa lại và cắt móng tay cũng như đeo găng tay vào buổi tối khi đi ngủ để tránh gãi trầy da.
- Giảm căng thẳng bằng cách thay đổi hành vi, dùng thuốc hoặc tập yoga
4. Có nên gãi khi bị ngứa da không?
Ngứa thường làm bạn muốn gãi và có thể dẫn tới thói quen ngứa – gãi. Gãi có thể làm bạn cảm thấy thoải mái tạm thời, nhưng nếu gãi lâu dài có thể làm da bạn kích ứng nhiều hơn và cơn ngứa vẫn không giảm bớt, thậm chí có thể làm cơn ngứa nặng thêm. Vì gãi chỉ làm giảm bớt cơn ngứa tạm thời và không giải quyết được nguyên nhân gây ngứa nên tốt nhất là bạn không nên gãi. Nếu bạn gãi làm trầy 1 vùng da nào đó, các vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể xâm nhập vào vùng da bị trầy và gây nhiễm trùng, dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề.
5. Phòng chống cơn ngứa da
Cơn ngứa có thể chỉ được phòng ngừa khi nguyên nhân gây ngứa được phòng ngừa và giải quyết:
- Sử dụng kem chống nắng có thể làm giảm cơn ngứa gây ra do cháy nắng
- Uống đủ nước và sử dụng kem giữ ẩm có thể ngăn ngừa cơn ngứa do da khô
- Sử dụng các biện pháp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục hoặc ngăn ngừa ve, rận chích
- Ngứa do ung thư da và bệnh gan thận mạn không thể ngăn ngừa được
6. Khi nào thì nên đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu nếu như cơn ngứa:
- Kéo dài hơn 2 tuần và không cải thiện bằng những cách đã kể trên
- Làm bạn xao nhãng khỏi các thói quen hằng ngày hoặc làm bạn mất ngủ
- Xuất hiện bất ngờ và không tìm được nguyên nhân gây ngứa
- Ảnh hưởng lên cả cơ thể
- Đi kèm với các triệu chứng khác như cực kì mệt mỏi, sụt kí, thay đổi thói quen đi cầu hoặc đi tiểu, sốt hoặc đỏ da.
Trong trường hợp của bạn, do chưa biết được nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa, bạn có thể thử một số cách tự chăm sóc mà chúng tôi đưa ra và không nên gãi vào các vùng da bị ngứa, vì như vậy sẽ dễ khiến cho các vùng da đó bị tổn thương. Nếu tình trạng ngứa gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn và khiến cho bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, bạn nên đi khám để được chẩn đoán xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời. Nếu bạn cần giúp đỡ, bạn có thể liên hệ đặt khám với Hello Doctor theo số điện thoại: 1900 1246, chúng tôi luôn sẵn lòng được hỗ trợ cho bạn.
Cảm ơn bạn đã quan tâm!
Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.
Bình luận, đặt câu hỏi